Tiếng thoi đưa ngày một thưa
Tìm về làng, may mắn chúng tôi gặp được ông Trần Hữu Phương, truyền nhân thứ 18 của dòng họ làm nghề ươm tơ, dệt lụa nổi tiếng một vùng, hiện là Giám đốc Công ty TNHH lụa Mã Châu, cũng là một trong những người hiếm hoi còn gắn bó với nghề truyền thống của quê hương.
Ngày càng ít người làng lụa Mã Châu theo nghề truyền thống của quê hương
“Lụa Mã Châu - linh hồn của người Mã Châu”, ông Trần Hữu Phương mở đầu câu chuyện như thế. Lụa Mã Châu tồn tại từ thế kỷ XVI, được truyền từ đời này sang đời khác. Người dân nơi đây có được công việc ổn định, giàu lên từ nghề ươm tơ, dệt lụa. Lụa mang một dáng vẻ, nét đặc trưng rất riêng của người Mã Châu nhờ được làm hoàn toàn từ tơ tằm thiên nhiên qua bàn tay khéo léo của những nghệ nhân có kinh nghiệm trong làng. Lụa có đặc tính bền, nhẹ, chống hôi mốc, mềm mại và đặc biệt tốt cho da. Mặc dù có những tính năng vượt trội, nhưng vì mọi công đoạn sản xuất thủ công nên vải còn bộc lộ nhiều lỗi, không thể che giấu. Đây cũng chính là điểm khác biệt mà người tiêu dùng có thể phân biệt được lụa Mã Châu với những lụa công nghiệp khác trên thị trường.
Việc cho ra những sản phẩm tơ lụa bắt mắt, chất lượng cao, đòi hỏi cần phải có tính công phu, tỉ mỉ ngay từ khâu nuôi, sản xuất tằm, cho đến thành sản phẩm. Chính vì vậy, mỗi tấm lụa ra đời là cả một quá trình cần mẫn, kỳ công của những nghệ nhân.
Mỗi khi đến vụ tằm, nông dân mất ăn mất ngủ, chăm lo từng ly từng tí cho tằm. Nếu không thì số lượng tằm nhả tơ rất ít.
“Nuôi tằm là việc phức tạp, đòi hỏi mình phải kiên nhẫn, chịu khó. Khi tằm tới giai đoạn sinh trưởng, tôi hầu như ăn ngủ trong xưởng nuôi để quan sát, xem chúng phát triển như thế nào. Chỉ cần một tác động nhỏ từ bên ngoài cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới con tằm”, ông Phương chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc dệt ra những thước lụa thủ công cho năng suất không cao, lại thu nhập thấp, khiến ông Phương không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, chế tạo ra những máy móc cải tiến hơn để thay thế nhưng vẫn giữ được bản chất của lụa truyền thống. Đến nay, hầu hết các máy móc hiện có trong công ty đều do một tay ông chế tạo. Hỏi ông lý do “bám” nghề.
Ông cho biết, với một gia đình có đến 17 đời theo nghiệp ươm tơ, dệt lụa thì đến đời ông không thể để nghề “chết” được. Chính những suy nghĩ ấy đã vực dậy ý chí mạnh mẽ trong việc phục dựng lại nghề của tổ tiên.
Tìm lối ra cho làng nghề
Trải qua hơn 500 năm hình thành, gặp bao thăng trầm, đến nay lại phải đối mặt với những cạnh tranh khốc liệt của các mặt hàng lụa khác nhau, lụa Mã Châu đang rơi vào nguy cơ mai một. Số lượng người làm nghề giảm đi rất nhiều. Một số hộ vẫn còn theo nghề nhưng cũng đã chuyển sang dệt công nghiệp. Duy chỉ ông Phương vẫn gắn bó với tiếng dệt truyền thống.
“Lụa Mã Châu đang bị hàng Trung Quốc áp đảo. Chi phí cao, thị trường ngày một thu hẹp, lợi nhuận thì thấp, đó là những lý do khiến bà con không còn mặn mà với nghề. Cũng vì mưu sinh, vì thời cuộc nên buộc lòng họ phải chọn hướng đi mới cho mình. Có người làm công nhân, có người làm dệt công nghiệp...”, ông Phương tâm sự.
Hiện nay, trên thị trường tràn lan lụa Trung Quốc, vì được làm bằng chất liệu ni lông, sản xuất công nghiệp, nên đa dạng mẫu mã, giá thành rẻ hơn hẳn so với lụa truyền thống, đó là thách thức không nhỏ đối với làng lụa Mã Châu.
Ông Phương cho biết: “Buôn bán lụa ni lông lời năm, lời mười. Một sản phẩm lụa ni lông sản xuất ra có giá thành chỉ 25.000 - 30.000 đồng. Vì thế, các cửa hàng bán lụa thi nhau nhập hàng về bán với giá cao gấp 10 lần để kiếm lời. Đáng buồn hơn là những sản phẩm lụa này đều gắn nhãn mác của lụa truyền thống. Nếu không phải là người trong ngành hoặc là người am hiểu về lụa sẽ không bao giờ phân biệt được”.
Hiện nay, địa phương rất khó khăn về lao động cũng như đầu ra cho sản phẩm, nhưng mỗi năm ông Phương vẫn duy trì ổn định năng suất trên dưới 100.000m lụa. Trong khi đó, kênh bán lẻ sản phẩm lụa truyền thống chưa nhiều nên nguồn tiêu thụ vẫn còn thấp. Phần lớn, sản phẩm lụa truyền thống của Mã Châu hiện nay cung cấp cho một số đơn vị thời trang cao cấp trên cả nước. Bên cạnh đó, những nghệ nhân có tay nghề cao đã lớn tuổi, còn người trẻ thì không theo nghề.
Để tìm lối ra cho làng lụa Mã Châu, ông Phương kêu gọi bà con có gốc gác làm nghề dệt lụa quay về cùng ông phục dựng lại nghề truyền thống của quê hương. Nhưng để làm được điều đó, trước mắt ông phải cần chứng minh cho mọi người biết rằng, mình vẫn có thể sống tốt với nghề. Và ông chứng minh bằng cách phát triển làng nghề gắn liền với du lịch. Làng dệt Mã Châu nằm giữa hai di sản văn hóa thế giới là Mỹ Sơn và Hội An. Để làng lụa Mã Châu sống được, theo ông Phương phải xây dựng làng nghề trở thành nơi trình diễn từng công đoạn của nghề ươm tơ dệt lụa để du khách cùng trải nghiệm. Đồng thời, làng nghề cũng là nơi trưng bày và bán sản phẩm phục vụ du khách.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Minh, Phó Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Duy Xuyên: “Từ phê duyệt dự án đến giai đoạn cạnh tranh với thị trường là cả một chặng đường dài. Việc xây dựng làng lụa để có thể sống được bằng du lịch không hề đơn giản, nhất là lụa Mã Châu, vì đây lại là sản phẩm được sản xuất thủ công, năng suất không cao. Hơn nữa, lụa Mã Châu là mặt hàng cao cấp thuộc về tầng lớp thượng lưu nên thị trường cũng rất kén chọn, việc triển khai áp dụng phát triển làng lụa kết hợp với du lịch là điều rất khó, cần phải cân nhắc kỹ”.
Qua vụ lụa Khải silk “made in China” làm mất niềm tin của khách hàng, nhưng đó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp buôn bán về lụa. Để duy trì và phát huy sản phẩm lụa truyền thống nói chung, lụa Mã Châu nói riêng, cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong quy hoạch phát triển bền vững, nhất là tạo đầu ra ổn định sản phẩm lụa truyền thống.