Không ngạc nhiên khi vấn đề này được đem ra bàn thảo sôi nổi. Trên thực tế, nhiều cuộc vận động sáng tác ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật từ trước đến nay, tác phẩm đoạt giải thường chỉ được biểu diễn giới hạn trong các sự kiện chào mừng, lễ hội, rồi sau đó… xếp kho.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung dẫn chứng việc anh vừa hoàn thành tuyển tập 300 ca khúc thiếu nhi được sáng tác suốt 8 năm qua. Tuy nhiên, điều anh mong mỏi là có sự hỗ trợ của phía nhà xuất bản để đưa tác phẩm đến với công chúng rộng rãi hơn. Kèm với đó, nếu có các chương trình ca nhạc thiếu nhi, cuộc thi để các em được hát ca khúc đúng độ tuổi của mình, sẽ giải quyết tình trạng “trẻ em hát nhạc người lớn” nhan nhản trên gameshow hiện nay.
Câu chuyện đầu ra với các tác phẩm âm nhạc đã khó. Ở lĩnh vực sân khấu, khó khăn còn gấp bội bởi kinh phí đầu tư cho tác phẩm thường lên đến vài trăm triệu đồng. Đầu tư khoảng 600 triệu đồng cho một vở diễn để ghi hình, dự thi và nếu đoạt giải nhất, giải thưởng 100 triệu đồng thì không thể bù lỗ, là câu chuyện được tác giả Lê Nguyên Đạt đặt ra. Một số ý kiến khác cho rằng, tác phẩm dự thi không được giải, đồng nghĩa sự đắn đo của các sân khấu khi dựng vở là điều tất yếu.
Thực tế, vẫn có trường hợp đầu ra rộng mở đối với những tác phẩm sân khấu thực hiện theo dạng đặt hàng. Như vở diễn Dấu xưa (Sân khấu 5B) đã có khoảng 50 suất diễn. Vở Rặng trâm bầu của Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi năm 2019 đã diễn 10 suất và đang đề xuất trong năm 2020 được hỗ trợ thêm 20 suất diễn.
Nhưng bài toán đặt ra là, làm thế nào để tác phẩm dù là đặt hàng hay tham dự những cuộc thi, vận động sáng tác thu hút khán giả? NSƯT Trịnh Kim Chi cho rằng, vấn đề mấu chốt là sản phẩm tuyên truyền phải nhẹ nhàng nhưng dễ đi vào lòng khán giả. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, vở diễn rất cần tính giải trí, mềm hóa nội dung để có thể phù hợp với nhiều đối tượng khán giả khác nhau. Ở góc độ các soạn giả, họ mong muốn thỏa sức sáng tạo và tư duy cởi mở, chấp nhận sự khác biệt của ban giám khảo để không bị gò bó trong những khuôn khổ chật hẹp. Ngoài ra, công tác quảng bá cũng là yếu tố then chốt. Muốn tiếp cận đông đảo khán giả, nhất là khán giả trẻ, cùng với chất lượng tác phẩm, những cách tiếp cận đa dạng thông qua mạng xã hội và tận dụng nguồn lực xã hội hóa sẽ giúp phát huy giá trị tác phẩm.
Cuộc vận động còn gần 2 tháng nhận bài dự thi. Bàn về câu chuyện đầu ra chắc chắn không thừa. Nhưng trước hết, phải có đầu vào thật sự chất lượng, là nền tảng để đầu tư thực hiện các MV ca nhạc, dàn dựng vở diễn.