Trước khi sự kiện diễn ra, NSƯT Trần Hoàng Yến, Phó trưởng Đoàn Vũ kịch của Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO), đã có chia sẻ rất chân tình: “Khi còn là sinh viên năm cuối Trường Múa TPHCM cách đây 14, 15 năm, mình là một trong số ít các sinh viên may mắn được tiếp cận với một phần của múa đương đại bởi ballet và múa dân gian vẫn là môn học chính. Khi chính thức vào HBSO, phần lớn cũng chỉ có cơ hội được trình diễn múa ballet cho đến khi có các trưởng đoàn tu nghiệp nước ngoài trở về, truyền bá múa đương đại một cách sâu rộng hơn”. Với cá nhân chị, có cơ hội được biểu diễn múa đương đại chính là niềm hạnh phúc để khán giả hiểu, cảm nhận và dần dần yêu thích bộ môn này hơn.
Trên thực tế, hiện nay các vở múa đương đại được dàn dựng, trình diễn đã không còn là điều hiếm gặp. Thậm chí, có nhiều tác phẩm thuần đương đại, hay mang hơi hướng đương đại của các nghệ sĩ Việt còn gây tiếng vang lớn trên thế giới. Tiến sĩ Danny Tan, Giám đốc Điều hành Lễ hội X Position O, cũng khẳng định, các nghệ sĩ Việt không chỉ có tài năng mà còn có khát khao được giới thiệu mình với thế giới. Trong nước, cái nhìn về các nghệ sĩ múa cũng đang dần dần theo chiều hướng tích cực hơn. Nhờ những Bước nhảy hoàn vũ, Thử thách cùng bước nhảy… không chỉ tạo nên phong trào nhảy múa rộng khắp trong xã hội mà còn góp phần đưa những vũ công ra ánh sáng, không còn là vai phụ nhạt nhòa trên sân khấu. Tuy nhiên, với múa đương đại nói riêng cũng như các bộ môn nghệ thuật múa khác, các nghệ sĩ vẫn chưa được đối xử tương xứng với thành quả, sức lao động họ bỏ ra.
Nghệ sĩ Thanh Bùi thừa nhận, nếu những người theo nghề hát chủ yếu dùng giọng hát để cống hiến cho khán giả thì nghệ sĩ múa phải dùng 100% cơ thể của mình. Nhưng, anh cũng nêu ra thực tế đáng buồn vẫn còn tồn tại: “Trong hậu trường ca sĩ biểu diễn có ghế để ngồi, còn nghệ sĩ múa hầu như không. Họ không được tôn trọng như ca sĩ, thường chỉ được coi là người đứng sau lưng để phục vụ cho ca sĩ”. Anh khẳng định điều đó là sai và đã đến lúc nghệ sĩ múa phải được tôn trọng là những nghệ sĩ đích thực.
Những trăn trở nói trên không phải lần đầu tiên được thổ lộ. Thực tế cho thấy số lượng những nghệ sĩ múa thành danh, được khán giả nhớ mặt, nhớ tên, xưng tụng hiện cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số còn lại, gần như là vô danh và họ vẫn ngày đêm miệt mài đổ mồ hôi, nước mắt thậm chí cả máu để học nghề, theo nghề với ước mơ duy nhất là được cống hiến, biểu diễn. NSƯT Trần Hoàng Yến có một chia sẻ thấm thía: Mỗi lần đứng trên sân khấu trình diễn múa đương đại là được là chính mình và thường phải mất vài ngày sau mới thoát ra khỏi cảm xúc đó. Có lẽ, đó cũng chính là tiếng lòng của những người theo nghề múa. Đã đến lúc, thật mạnh mẽ và quyết liệt cần đặt để vị trí nghệ sĩ múa xứng đáng với đam mê và khổ luyện của họ.