Tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (bào chữa cho Phan Văn Anh Vũ - tức Vũ “nhôm”, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79) hỏi các bị cáo xoay quanh việc Vũ “nhôm” có biết nguồn gốc số tiền 200 tỷ đồng là khoản vay khống của DAB hay không.
Trước đó, tại cơ quan điều tra, Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở DAB) khai, khi cầm chứng từ đưa Vũ “nhôm” ký nộp 200 tỷ đồng vào tài khoản, trong đó có phiếu nộp tiền ghi sẵn nội dung để Vũ “nhôm” ghi theo.
Nhưng tại tòa, Vinh lại khai chứng từ đưa Vũ “nhôm” hoàn toàn trống, chỉ có biểu mẫu in sẵn của ngân hàng và Vinh hướng dẫn Vũ “nhôm” viết nội dung. Luật sư Trạch chất vấn nếu có tài liệu chứng minh chứng từ có ghi sẵn nội dung và bị cáo hướng dẫn Vũ ghi lại thì bị cáo có chịu trách nhiệm không, Vinh khẳng định sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Trả lời luật sư Trạch về việc Vũ “nhôm” có biết nguồn gốc 200 tỷ đồng, bị cáo Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT DAB) khai: “Khi trao đổi cụ thể với Vinh, bị cáo không bàn bạc về nội dung số tiền đó với Vũ. Thực lòng bị cáo muốn gián tiếp cho Vũ biết tình hình của DAB thông qua việc “treo” quỹ (quỹ khống - PV).
Khi làm việc với Vinh, bị cáo có giới thiệu về cá nhân Vũ và Công ty Bắc Nam 79 để Vinh hiểu và đồng thuận trong việc bị cáo yêu cầu “treo” quỹ. Các khoản “treo” quỹ khác, bị cáo cũng nói rõ với Vinh để Vinh biết bị cáo không vì mục đích cá nhân mà “treo” quỹ. Trong suy nghĩ bị cáo muốn cho Vũ biết DAB có tình trạng “treo” quỹ”.
Dù khẳng định khi chỉ đạo Vinh thu khống và “treo” quỹ 200 tỷ đồng là không bàn bạc với Vũ “nhôm” nhưng ông Bình khai: “Trong nhận thức của bị cáo thì Vũ biết nguồn gốc số tiền 200 tỷ đồng”.
Tại phiên tòa, HĐXX thông báo gia đình Vũ “nhôm” đã nộp thêm hơn 30 tỷ đồng cho cơ quan chức năng. Trước ngày mở phiên tòa, gia đình Vũ “nhôm” nộp 173 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, như vậy đến nay, Vũ “nhôm” đã nộp khắc phục hậu quả 203 tỷ đồng, là số tiền Vũ “nhôm” cho rằng vay của cá nhân ông Bình và hứa hoàn trả ông Bình tại phiên tòa ngày 30-11.
Trong phiên tòa 4-12, Hội đồng xét xử (HĐXX) TPHCM đã truy trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc để sai phạm xảy ra suốt 10 năm tại DAB. Theo đại diện NHNN, để được tăng vốn điều lệ, ngân hàng phải có nguồn vốn hợp pháp, minh bạch và rõ ràng. Nguồn tiền tăng vốn phải do chính cá nhân hoặc tổ chức nộp vào. Trong trường hợp này, nguồn tiền tăng vốn là tiền vay của chính DAB thì không được chấp nhận.
Đại diện NHNN cũng cho biết, việc tăng vốn điều lệ của DAB do NHNN tại TPHCM báo cáo với NHNN, sau đó NHNN xuống kiểm tra về việc tăng vốn điều lệ năm 2007 thì đều có biên bản.
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của NHNN khi năm nào cũng kiểm tra mà không phát hiện việc DAB tăng vốn bằng nguồn vốn không hợp pháp (không có nguồn vốn thật), đại diện NHNN cho rằng ở góc độ quản lý đã làm đúng trách nhiệm nhưng vì thủ đoạn của các bị cáo quá tinh vi nên khó phát hiện.