Sáng 29-11, Tòa án nhân dân (TAND) TPHCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB).
Trong phiên hôm nay, TAND TPHCM tiếp tục xét hỏi bị cáo Trần Phương Bình để làm rõ việc mua, bán cổ phần trong những năm nắm giữ chức vụ Tổng Giám đốc DAB.
Từ 2007 đến 2014, Trần Phương Bình đã chỉ đạo cấp dưới lập phiếu thu khống hơn 1.160 tỷ đồng để mua 74 triệu cổ phần của DAB - đứng tên Trần Phương Bình và người thân.
Trong đó, ông Cao Ngọc Liên (cha vợ ông Bình) mua 523.000 cổ phần với giá 31 tỷ đồng; vợ và 2 con ông Bình đứng tên 2,2 triệu cổ phần tương đương với 132 tỷ đồng.
Trả lời lý do để vợ, con và người thân đứng tên cổ phần có phải để thâu tóm DAB hay không, ông Bình cho rằng, vì không nhờ được người khác đứng tên nên tự lấy tên vợ, con và người thân để mua nhưng không cho họ biết. Ngoài ra, bị cáo còn cho rằng, khi làm việc với các đối tác nước ngoài, họ thường hỏi gia đình nắm giữ bao nhiêu cổ phần trong công ty.
Vì muốn nâng cao vị thế của mình và uy tín của DAB nên bị cáo đã lấy tên vợ, con để mua cổ phần và không bán số cổ phiếu này. Theo ông Bình, tỷ lệ cổ phần ông và người thân nắm không quá 20%, trong khi đó, để chi phối được DAB thì phải nắm trên 35% cổ phần.
Về cổ tức, ông Bình cho biết cổ tức được chuyển vào tài khoản của người thân bị cáo. Một số trường hợp, bị cáo trực tiếp ra cột ATM chuyển lại số tiền này về tài khoản của bị cáo hoặc chỉ đạo cấp dưới làm lệnh chuyển. Trần Phương Bình đã nhận khoảng 100 tỷ đồng từ cổ tức tại DAB.
Khi được hội đồng xét xử hỏi, vì sao cảm thấy có lỗi với Vũ “nhôm” khi mua giùm và chuyển cho ông này 13,4 triệu USD, ông Bình cho rằng mình từng là một giáo viên nên thấy có lỗi vì không thông báo đầy đủ với Vũ “nhôm” về thực trạng hoạt động của DAB.
Ông Bình viện dẫn: “Nguyên nhân dẫn đến các hành vi trái pháp luật đã bị truy tố là do bị cáo mong muốn toàn tâm toàn ý với hoạt động của DAB. Nhưng vì suy nghĩ không đến nơi, một mình bị cáo phải vừa làm công việc của thành viên HĐQT, vừa làm công việc của người điều hành, sức người có hạn, nên đã thực hiện các hành vi vi phạm”.
Bị cáo Bình cho biết, số cổ tức được nhận đã sử dụng vào rất nhiều hoạt động của DAB, không sử dụng cho cá nhân. Đến năm 2014, Trần Phương Bình vẫn nợ DAB hơn 10 tỷ đồng, đó là 2 tài khoản thấu chi của cha mẹ vợ bị cáo.
Trong phiên thẩm vấn ngày 29-11, hội đồng xét xử cũng xét hỏi bị cáo Nguyễn Hồng Ánh (cựu Trung tá Công an TPHCM) về hành vi ký phiếu thu khống 1.900 lượng vàng, gây thiệt hại cho DAB 53,3 tỷ đồng. Nguyễn Hồng Ánh thừa nhận hành vi trái pháp luật của mình.