Chị Nguyễn Thị Th. (41 tuổi, ngụ TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đang lúi húi chuẩn bị bữa ăn chiều nên để 2 con nhỏ (9 tuổi và 5 tuổi) chơi và xem tivi ở phòng khách. Khi chị quay ra kiểm tra thì tá hỏa thấy các đoạn phim có hình ảnh đầy máu me, bạo lực, rượt đuổi nhau giữa các nhân vật hoạt hình do một kênh YouTube nước ngoài trình chiếu, với tổng số người xem hơn 5 triệu lượt.
Chị Th. cho biết: Các nội dung tương tự cũng tự động gợi ý người xem, khiến trẻ nhỏ tò mò bấm vào rồi cuốn theo mà không hay biết, cứ thế hình ảnh xấu độc từng ngày ngấm dần vào con trẻ. Trong số các clip chị Th. thấy các con xem, hãi hùng nhất là các nhân vật hoạt hình đột nhiên chui từ bồn cầu lên, gây sự tò mò, dẫn dụ người xem, thâm nhiễm vào trẻ con và không ít trẻ biến thành lời nói, hành động thường ngày.
Các mạng xã hội hiện nay đang tạo ra sân chơi chung cho nhiều nhà sáng tạo nội dung thông qua các video clip để thu hút người xem, hút quảng cáo, kiếm tiền. Không ai phủ nhận mặt tích cực nhưng bên cạnh đó có không ít những nội dung đáng lên án. Do áp lực sớm tạo ra sự nổi bật cho kênh, nhiều người bất chấp tạo dựng các clip phản cảm, từng ngày từng giờ đầu độc giới trẻ.
Trong khi đó, các kênh có nội dung lành mạnh hiện khá nghèo nàn trên không gian mạng, một số kênh hiện có chủ yếu lấy cốt truyện từ những truyện cổ tích, các câu chuyện giáo dục nhân cách, nghị lực sống... nhưng cách thể hiện khá tẻ nhạt. Trong khi chúng ta chưa xây dựng được các kênh thật sự nổi bật, có tính giáo dục thì các bậc phụ huynh cần hạn chế việc trẻ em truy cập vào các nền tảng này, thường xuyên hướng các em đọc các loại sách thường thức, truyện thiếu nhi, đồng thời phải lấy mình làm tấm gương cho con trẻ, đó chính là giải pháp giúp đề kháng trước cái xấu, phản văn hóa trong thời đại công nghệ 4.0.