Nói như chị Hảo Lan (chuyên bán hàng xách tay) thì những thương hiệu cao cấp, siêu sang đang được bình dân hóa bởi những tay bán hàng giả, hàng nhái chuyên nghiệp. Mà phần lớn xuất xứ món hàng đều được đặt theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc đưa về Việt Nam tiêu thụ.
Giữa tháng 7-2019, Tổng cục QLTT thông tin kết quả sơ bộ về chiến dịch truy quét cao điểm hàng hóa nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu được lực lượng QLTT TPHCM kiểm tra tại chợ Bến Thành và Trung tâm Thương mại Sài Gòn Square ở quận 1. QLTT TPHCM đã tạm giữ 1.834 sản phẩm gồm túi xách, bóp, ví, đồng hồ, quần áo các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Longchamp, Rolex, Bvlgari, Hermes, Franck Muller, Audermars Piguet, Montblanc, Chanel…
Tại thời điểm kiểm tra, chủ số hàng hóa này không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có đăng ký kinh doanh. Theo nguồn tin riêng từ một số tiểu thương tại chợ Bến Thành, thì những mặt hàng nói trên được nhập bằng đường tiểu ngạch, chỉ khoảng vài chục ngàn đồng/sản phẩm, nhưng giá bán ra dao động từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng/món, tùy loại. Tất nhiên, tiểu thương còn phải nhìn mặt khách để bán hàng, kiểu mỗi khách mỗi giá.
“Khách sang bán giá khác, khách bình thường bán giá khác. Không thể một mặt hàng bán chung mức giá, vậy sao có lời”, một tiểu thương tiết lộ.
Tại một cuộc họp vừa diễn ra ở TPHCM, ông Trần Giang Khuê, phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TPHCM, đánh giá hàng giả mạo trên thị trường còn đất sống do chính người tiêu dùng không chủ động bảo vệ chính mình. Người mua thích hàng xịn, nhưng… giá phải rẻ, trong khi điều này là rất khó. Ngược lại, doanh nghiệp cũng chưa thực sự trách nhiệm, rốt ráo bảo vệ thương hiệu của mình. Thực trạng này đang khiến cho cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng khốc liệt hơn. “Hàng cao cấp, giá bèo làm gì có. Người mua đừng ham rẻ, không có hàng thật đâu. Nhiều khả năng mua trúng hàng nhái mà thôi”, chị Hảo Lan khuyến cáo.
Đáng chú ý, hàng nhái, hàng giả mạo ngày nay được làm vô cùng tinh vi. Thậm chí, ngay cả doanh nghiệp chính hãng đôi khi cũng không thể phân biệt được hàng thật - hàng nhái bằng các biện pháp thông thường, ví dụ như kiểm tra bằng cảm quan (mắt, tay…). Vẫn biết, thị trường hàng hóa thật - giả, vàng thau lẫn lộn, nhưng người tiêu dùng vẫn nhẹ dạ, cả tin một cách kỳ lạ. Ngoại trừ các trường hợp cố tình mua hàng giả, hàng nhái để thỏa mãn thói quen tiêu dùng hàng hiệu nhưng không đủ tài chính, thì vẫn có một bộ phận không nhỏ muốn được sử dụng hàng thật. Vì thị trường khó đáp ứng nên mua hàng xách tay là một lựa chọn. Thế nhưng, kết quả nhận được lại… đắng ngắt. Mới đây, chị Phí Thanh Lan, ngụ đường Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn), bức xúc phản ánh về việc chị mua trúng chai nước hoa dỏm.
“Đây là loại nước hoa nữ Chanel No.5 Red 100ml với giá 4,5 triệu đồng. Tôi mua hàng qua Facebook của một người quen. Thế nhưng, mới sử dụng được khoảng 10 ngày, mùi nước hoa có dấu hiệu bị phai, không giống mùi hương ban đầu. Tôi có trao đổi với bạn bán hàng, người này đồng ý đổi chai khác tương tự. Thế nhưng, chai mới còn tệ hơn, vì chỉ 5 ngày sau đã phai mùi. Người bán chỉ trả lại tôi 2 triệu đồng, với lý do quen biết. Rõ ràng, họ làm việc thiếu chuyên nghiệp và vô trách nhiệm”, chị Phí Thanh Lan nói.
Câu chuyện hàng nhái, hàng giả mạo hoàn toàn không mới, nhưng cách tiếp cận người tiêu dùng thì lại đủ chiêu trò. Nếu không cảnh tỉnh, người mua rất dễ sập bẫy. Do vậy, thận trọng trước khi mua hàng là điều không bao giờ thừa. Thêm nữa, trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách trong việc rà soát, triệt phá các “ổ hàng lậu”, hàng giả cũng là điều đáng bàn.