Tràn lan dịch vụ học hộ, thi hộ

Hiện nay trên các mạng xã hội có rất nhiều hội nhóm công khai các dịch vụ học hộ, thi hộ với các mức giá từ 100.000 đồng đến hàng triệu đồng, tùy vào hình thức học, làm bài kiểm tra, thi hộ. Rất nhiều trường đại học dù đã tìm mọi cách ngăn chặn nhưng vẫn phát hiện không ít trường hợp thi hộ.

Cán bộ thanh tra Trường Đại học Công thương TPHCM giám sát qua màn hình camera trong giờ thi. Ảnh: THANH HÙNG
Cán bộ thanh tra Trường Đại học Công thương TPHCM giám sát qua màn hình camera trong giờ thi. Ảnh: THANH HÙNG

Sôi động mời chào

Theo T.T.Ng., sinh viên năm thứ 2 ngành Thú y (Trường ĐH Nông lâm TPHCM), nhiều sinh viên do đi làm thêm để kiếm tiền nên đã rủ nhau tìm người đi học hộ và thi hộ. Ở trong ký túc xá, bạn nào có nhu cầu thì báo nhau và tạo các nhóm kín giúp nhau đi học để điểm danh hoặc thi hộ. “Đa phần các bạn đi học, điểm danh giúp nhau và chỉ lấy từ 80.000 đồng/tiết. Bạn nào khó khăn quá thì đi học giúp nhau chứ cũng không đặt nặng việc tiền bạc”, T.T.Ng. tiết lộ.

Trong khi đó, trên mạng xã hội Facebook, gõ từ khóa “hỗ trợ học tập, học hộ - thi hộ” là xuất hiện hàng trăm nhóm công khai chuyên cung cấp dịch vụ học hộ, thi hộ. Chỉ cần nhấn tham gia nhóm thì sẽ nhận được tin nhắn chào mời. Hầu hết các nhóm này đều cam kết là đơn vị dịch vụ chất lượng, uy tín và rẻ nhất, có các thủ thuật không thể phát hiện. Giữa tháng 5-2024, một tài khoản ẩn danh đăng bài viết vào nhóm công khai trên Facebook có gần 100.000 thành viên, nội dung: “Mình cần tìm 1 bạn nữ học giúp 1 môn đến hết học kỳ. Ib (nhắn tin) mình để báo giá luôn nha”.

Ngày 10-6, chúng tôi thử tham gia Nhóm hỗ trợ thi hộ, học hộ và hỗ trợ học tập năm 2023 (có 10.600 thành viên) và đăng thông tin cần người thi hộ môn tiếng Anh. Ngay lập tức có nhiều thành viên chào mời và yêu cầu liên hệ hoặc gọi điện thoại để nhận giá. Một tài khoản có tên D.T.V. ra giá 1,5 triệu đồng và yêu cầu đặt cọc trước 500.000 đồng. Khi biết điểm sẽ chuyển khoản 1 triệu đồng còn lại. Yêu cầu của chủ tài khoản này là phải gửi thẻ sinh viên, mã số lớp, họ tên trên danh sách thi...

Tương tự, Nhóm học hộ, thi hộ, hỗ trợ làm bài tập khu vực TPHCM (có 3.200 thành viên) cũng hoạt động công khai với lời giới thiệu: “Anh/chị trong group từng có kinh nghiệm học tại các trường ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Tài chính - Marketing TPHCM, ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, ĐH Ngân hàng TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM... Nhận đảm bảo uy tín, không tiền cọc, không bỏ ngang, học theo yêu cầu”. Nhóm này chuyên nhận học hộ, thi hộ các môn đại cương, kinh tế, luật, kế toán, tài chính, marketing, thể chất...

Những hệ lụy

Cuối tháng 5-2024, Trường ĐH Công thương TPHCM phát đi thông báo sau khi nhà trường phát hiện nhiều trường hợp sinh viên nhờ người học hộ, thi hộ. Theo thông tin nhà trường cho biết, từ đầu năm đến nay, trường phát hiện gần 20 sinh viên nhờ người học hộ, thi hộ, trong khi năm 2023 chỉ có 5 trường hợp.

Trường đang tìm hiểu từng trường hợp để xác định chính xác mức độ vi phạm và xử lý. Với sinh viên học hộ, nhờ học hộ, tùy mức độ sẽ bị kỷ luật từ khiển trách đến đuổi học. Theo quy chế đào tạo của nhà trường, sinh viên bị phát hiện lần đầu sẽ nhận điểm 0 học phần nhờ học hộ, thi hộ; bị đình chỉ học có thời hạn nếu vi phạm lần thứ hai và nhận điểm 0 ở tất cả môn trong học kỳ.

Điều 20 Thông tư 08/2021 của Bộ GD-ĐT ngày 18-3-2021 quy định: Sinh viên có gian lận trong thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập sẽ bị xử lý kỷ luật đối với từng học phần đã vi phạm theo các quy định của Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông hiện hành do Bộ GD-ĐT ban hành; sinh viên thi hộ hoặc nhờ người thi hộ đều bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập 1 năm đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất và buộc thôi học đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai...

L4c.jpg
Trường ĐH Y Dược TPHCM giám sát việc thi, học thực hành qua hệ thống camera

Theo Th.S Quách Thanh Hải, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, những năm gần đây, nhà trường phát hiện khá nhiều trường hợp thi hộ. Phần lớn trong số này là sinh viên thi hộ ở môn tiếng Anh để đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp. Khi Phòng Thanh tra giáo dục phát hiện thì sẽ lập hồ sơ vi phạm chuyển về Phòng Công tác sinh viên tham mưu thành lập hội đồng kỷ luật sinh viên. Để phòng ngừa vi phạm, từ năm 2019, nhà trường đã phối hợp với trung tâm phần mềm xây dựng trang web có tên miền kiemtraaio.hcmute.edu.vn để nhận danh sách thi bằng hình ảnh, giúp Phòng Thanh tra giáo dục kiểm tra 100% nhân dạng đối với sinh viên dự thi tiếng Anh đầu ra, kiểm tra đột xuất sinh viên có từ 2 môn thi trở lên trong cùng một ngày.

Tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Mở TPHCM, Trường ĐH Luật TPHCM... cũng đã phát hiện nhiều trường hợp thi hộ và đã thành lập hội đồng xử lý kỷ luật buộc thôi học một năm đối với sinh viên vi phạm.

TS NGUYỄN TRUNG NHÂN, Trưởng Phòng đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM:

Tăng cường nhắc nhở, cảnh báo sinh viên, giảng viên

Để nâng cao tinh thần chống gian lận trong học tập và thi cử, nhà trường đã tăng cường nhắc nhở cảnh báo sinh viên về quy định thi, kiểm tra học phần và các hình thức kỷ luật nghiêm khắc. Bên cạnh đó, trường cũng nhắc nhở giảng viên làm công tác coi thi kiểm tra, giám sát nghiêm túc trong quá trình thi, 100% sinh viên phải được kiểm tra thẻ sinh viên.

Ngoài ra, trường còn thành lập tổ kiểm tra, giám sát cấp trường để kiểm tra ngẫu nhiên công tác tổ chức thi cuối học kỳ. Theo quy định hiện hành, nếu phát hiện thi hộ, sinh viên sẽ bị xử lý kỷ luật rất nghiêm khắc, nhẹ nhất là đình chỉ học tập 1 năm, nặng hơn có thể buộc thôi học và truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của sinh viên nên các em cần nắm rõ và tuyệt đối không được vi phạm.

ThS PHẠM THÁI SƠN, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công thương TPHCM:

Thêm giải pháp công nghệ chống gian lận

Để kiểm soát tình trạng học hộ, thi hộ, nhà trường đã triển khai một số biện pháp cụ thể và hiệu quả như: tăng cường việc giám sát thi cử bằng cách lắp đặt hệ thống camera trong phòng thi và tổ chức cho Phòng Công tác sinh viên kiểm tra thường xuyên; điểm danh bằng camera, áp dụng thí điểm công nghệ nhận diện khuôn mặt để đảm bảo sinh viên tham gia thi là đúng người. Ngoài ra, việc tổ chức phần nhiều các kỳ thi trắc nghiệm với camera giám sát từ xa cũng giúp giảm thiểu tình trạng thi hộ.

Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục ý thức về đạo đức học đường và trách nhiệm cá nhân của sinh viên trong học tập và thi cử. Trước hết, sinh viên cần nhận thức rõ rằng việc học hộ, thi hộ không chỉ vi phạm quy định của nhà trường mà còn đi ngược lại giá trị đạo đức và trách nhiệm cá nhân. Hậu quả của hành vi này có thể rất nghiêm trọng, từ việc bị kỷ luật, đình chỉ học tập cho đến ảnh hưởng lâu dài đến danh dự và sự nghiệp sau này.

Do đó, sinh viên cần tự giác trong học tập, nỗ lực vượt qua khó khăn và thử thách bằng chính khả năng của mình. Nhà trường cũng khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động tư vấn tâm lý và học tập để tìm kiếm sự hỗ trợ khi gặp khó khăn.

Sinh viên Q.T.T., sinh viên năm 3, ngành Tài chính ngân hàng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành:

Nói “không” với gian lận trong học tập

Nếu không bị đình chỉ học tập 1 năm thì năm nay tôi đã tốt nghiệp. Tôi xin chia sẻ sự việc của bản thân để các bạn cùng rút ra bài học kinh nghiệm. Đầu năm 2023, do bận đi làm thêm, tôi đã nhờ một người thi hộ một môn chuyên ngành với giá 1 triệu đồng. Thế nhưng cán bộ coi thi đã phát hiện và thanh tra của trường lập biên bản. Một tuần sau, tôi nhận kỷ luật với hình thức đình chỉ học tập một năm. Hiện nay, tôi đã hết hạn bị đình chỉ, được đi học trở lại và hiện đang thực tập tại một ngân hàng ở quận Bình Thạnh.

Đây là bài học quý giá cho bản thân tôi khi có tư tưởng gian lận và không nghiêm túc trong việc học tập, đồng thời cũng là bài học về lòng tự trọng và uy tín trong công việc sau này. Các bạn nên tránh xa và đừng bao giờ nghĩ đến việc học hộ, thi hộ. Cái giá phải trả cho việc làm sai trái này là cả một năm học với bao tâm trạng, biết bao chi phí và mang trong lòng sự mặc cảm với bạn bè, thầy cô.

Tin cùng chuyên mục