Ngày cuối tuần, thay vì đi mua sắm, xem phim hay lang thang ở những quán cà phê thì nhóm bạn của Tống Uyên Linh, học sinh lớp 11, lại bận bịu với việc ghi hình ở Trận địa pháo - Hầm thủy lôi núi Lớn (phường 5, TP Vũng Tàu). Uyên Linh chia sẻ, trước đây đã có vài lần em cùng gia đình đến tham quan di tích nhưng chủ yếu là đến để chụp hình chứ chưa hiểu hết giá trị của công trình; trận địa pháo cổ ở núi Lớn dù nổi tiếng là lớn nhất Đông Dương nhưng nhiều người, nhất là các bạn trẻ ít người biết đến. Vì vậy, Linh đã tìm hiểu, quay clip vừa để giới thiệu rộng rãi hơn di tích đến với công chúng, chia sẻ lên nhóm, giúp các bạn trẻ có những chuyến dã ngoại thiết thực hơn.
Còn với Dương Anh Quân (22 tuổi, đến từ Bình Dương), dù đã đến TP Vũng Tàu nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên Quân cùng bạn bè đến tham quan di tích Trận địa pháo - Hầm thủy lôi núi Lớn. Theo Anh Quân, những chuyến đi trước đây chủ yếu là tắm biển, dạo một vòng từ bãi Trước ra bãi Sau, leo ngọn hải đăng rồi la cà ở một số quán ăn đêm chứ chưa đi đến những nơi độc đáo như vậy. Sau khi lân la dò hỏi, Quân tỏ ra khá bất ngờ khi 2 công trình đại pháo và hầm thủy lôi lại do 2 nước khác nhau thiết kế. Anh ngỡ ngàng hơn khi biết ở TP Vũng Tàu còn có trận địa pháo đài Phước Thắng (khu vực bãi Trước) gắn với trận đánh lịch sử của quân dân nhà Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược và một số khẩu thần công trong trận địa pháo được đặt tại Khu di tích Bạch Dinh rồi sau đó đưa vào Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trưng bày.
Riêng đối với trận địa pháo cổ trên các ngọn núi, theo ghi chép, sau khi chiếm được Nam kỳ, thực dân Pháp liền quan tâm đến việc phát triển tuyến phòng thủ ven biển. Từ năm 1895-1905, ba trận địa pháo phòng thủ bờ biển lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ đã được thiết lập trên các ngọn núi tại Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), gồm: trận địa núi Tao Phùng (núi Nhỏ), núi Lớn và Cầu Đá. Tổng cộng có 23 khẩu trọng pháo từ 140-300 ly đã được lắp đặt, trong đó, trận địa pháo ở núi Lớn gồm 6 khẩu đại pháo là trận địa kiên cố nhất. Ngoài những khẩu pháo từ thời nhà Nguyễn và thực dân Pháp để lại, hiện trong Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (số 4 Trần Phú, phường 1, TP Vũng Tàu) cũng trưng bày một số khẩu súng thần công được đúc từ thời nhà Minh (Trung Quốc) được người dân phường Thắng Nhì trục vớt trong quá trình đánh bắt hải sản tại bãi Rạn (vùng biển Vũng Tàu) năm 1991, thu hút nhiều du khách tham quan.
Theo nhiều chuyên gia, những trận địa pháo cổ trên các ngọn núi ở TP Vũng Tàu đang bị hư hỏng, xâm hại nghiêm trọng, thậm chí đã có trường hợp bị mất phần thân khẩu pháo. Do đó, các di tích rất cần được quan tâm, bảo vệ, góp phần hình thành những sản phẩm du lịch riêng biệt phục vụ du khách.