Trận đánh Đài Radar Phú Lâm qua hồi ức của người lính đặc công

Cựu chiến binh Hà Thanh Sơn (quê ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ; hiện trú tại xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) là một trong những chiến sĩ bộ đội đặc công tham gia các trận mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh tấn công vào nội đô Sài Gòn những ngày cuối tháng 4-1975, trong đó có trận đánh Đài Radar Phú Lâm và một số cứ điểm lớn của địch. 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, ký ức của ông về trận đánh năm xưa vẫn vẹn nguyên.

daccong.jpg
Ông Hà Thanh Sơn làm công tác quân quản tại Sài Gòn sau ngày 30-4-1975. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngày 22-4-1975, đơn vị đặc công của tôi được lệnh chuẩn bị đánh một số cứ điểm trọng yếu của địch để mở màn cho bộ đội tiến công vào nội đô Sài Gòn. Đêm 24-4-1975, chúng tôi chuẩn bị cho các trận đánh. Do hồi còn nhỏ khá thông thạo sông nước nên tôi được phân công nhiệm vụ cùng cán bộ cơ sở bơi xuồng đi nhận vũ khí. Chúng tôi đi nhận đạn A72 (một loại tên lửa vác vai, mỗi quả đạn nặng gần 10kg). Mỗi thuyền chỉ chở được 2 quả đạn A72. Chúng tôi về đến cứ thì trời bắt đầu sáng.

Mờ sáng 25-4-1975, chúng tôi thấy tàu bay của địch lên xuống ngay phía trên đầu mình. Lúc đó chúng tôi mới biết mình đang ở rất gần sân bay Tân Sơn Nhất. Tối 28-4-1975, chúng tôi nhận lệnh chia thành ba mũi tập kích Đài Radar Phú Lâm (quận 6, Sài Gòn). Đây là trung tâm truyền tin lớn nhất nhì ở châu Á của địch lúc đó. Đúng 19 giờ đêm, chúng tôi xuất kích đánh Đài Radar Phú Lâm. Lúc 20 giờ, mũi của chúng tôi nhận được tín hiệu chỉ huy đánh hiệp đồng. Tôi cùng một đồng đội được giao nhiệm vụ đánh bộc phá mở đường.

Chúng tôi ôm bộc phá, bò sát vào cứ điểm Radar Phú Lâm, đến cách hàng rào tôn ngoài cùng khoảng 40m thì nằm chờ lệnh nổ phá. Tiếc là quả bộc phá đầu tiên không nổ. Chúng tôi đành ẩn chờ để đánh tiếp quả bộc phá thứ hai. 15 phút sau, chúng tôi cho nổ bộc phá, hàng rào tôn bung ra. Chúng tôi vượt nhanh qua lỗ thủng hàng rào và bãi xe cũ, luồn sâu vào trong, cách khoảng 30m thì nhìn thấy những cánh sóng ra đa của địch to như những lá buồm no gió. Chúng tôi trườn qua khoảng ruộng, tiếp cận lớp hàng rào kẽm gai dày chi chít. Địch từ trên các chòi gác phát hiện, nã đạn như mưa. Đồng đội của chúng tôi có đồng chí chưa kịp biết mặt thì đã hy sinh...

Do hỏa lực của địch ngày càng mạnh, chúng tôi phải quay lại bãi xe ô tô hỏng để củng cố đội hình. Chúng tôi lên phương án đánh cường tập vào đài radar vẫn bằng ba mũi tấn công. Một mũi đánh thẳng vào cổng chính của đài radar. Hai mũi còn lại cắt rào, đánh hai bên sườn của đài radar. Thời gian giờ D của đợt cường tập là vào lúc 2 giờ sáng.

Sáng 30-4-1975, các mũi hiệp đồng chiến đấu đến giờ nổ súng vẫn rất khó tiếp cận được mục tiêu đài radar. Hỏa lực của địch phản kháng và cố thủ quyết liệt. Chúng tôi đánh trực diện, cắt đường chi viện của địch từ bên ngoài, vừa vây hãm vừa kêu gọi địch đầu hàng. Đến hơn 10 giờ sáng 30-4-1975, địch kéo quân ra đầu hàng. Tôi cùng đồng đội bắt giữ tù binh, trong đó có Đài trưởng Đài Radar Phú Lâm. 11 giờ 30 phút trưa 30-4-1975, các mũi tiến công của quân giải phóng đã vào Dinh Độc Lập. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên đài phát thanh.

Chúng tôi ôm nhau mừng rơi nước mắt. Sau bao nhiêu năm chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, ngày toàn thắng đã đến. Chúng tôi vào nội đô Sài Gòn. Cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay khắp mọi ngả đường. Lính Việt Nam Cộng hòa buông súng, cởi bỏ tất cả những gì được cho là dính dáng đến chế độ cũ và đầu hàng. Trên mặt đường phố la liệt quân trang của Quân đội Việt Nam Cộng hòa vứt bỏ lại. Người dân Sài Gòn đổ ra đường reo hò, chào đón bộ đội giải phóng.

Lính đặc công khi đánh trận đều hóa trang, không ai nhận ra nhau, kể cả khi hy sinh cũng không biết cụ thể đó là ai. Chúng tôi chỉ mặc độc chiếc quần đùi và mang theo những vũ khí, quân trang cơ động... Tôi có một người bạn từng là đặc công hải quân, chuyên đánh người nhái. Anh ấy sau này bị ám ảnh đến nỗi đêm đêm không dám ngủ chung cùng ai, vì sợ mộng du, có thể sát hại người bên cạnh mình. Còn tôi, sau này cũng bị hậu quả của lần bị bao vây trong bãi xe cũ ở Đài Radar Phú Lâm, do uống phải nước đọng trên thùng xe nhiễm độc kim loại nên phải mổ cắt 2/3 dạ dày. Tôi cũng bị ám ảnh rằng không biết mình có bị nhiễm dioxin, chất độc da cam ở rừng Trường Sơn hay không. Cũng may là thế hệ con, cháu của tôi đều ổn cả…

Tin cùng chuyên mục