Lâu nay, tình trạng các tập đoàn kinh tế lớn vay vốn ngân hàng, đem cho công ty “con” vay lại, hay công ty “anh” có thể vay thì đem cho công ty “em” vay lại, vì công ty “em” không đủ năng lực tài chính, đã diễn ra khắp nơi, được xem như cách để chuyển giá qua lãi suất ở các tập đoàn. Nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng thế, vay vốn ở nước ngoài với lãi suất 1% - 2%/năm, đem cho công ty con trong nước vay lại đến 9% - 10%/năm, dẫn đến doanh nghiệp trong nước kinh doanh lỗ hay lãi thì tập đoàn mẹ vẫn hưởng... lãi suất!
Trên thực tế, theo đánh giá của Tổng cục Thuế, có rất nhiều doanh nghiệp có chỉ số Ebitda (lợi nhuận trước thuế, chưa tính lãi vay và khấu hao) cao, nhưng kết quả kinh doanh vẫn lỗ vì khấu hao quá nhiều, trả lãi vay quá lớn, nên không nộp đồng thuế nào cho nhà nước, và kết quả kinh doanh còn bị âm. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp đó cố tình đầu tư nhiều tài sản để khấu hao cao, trong khi doanh nghiệp không có vốn, phải vay và phải trả lãi cao; rồi chuyển giá bằng cách tăng chi phí để giảm lợi nhuận. Kết quả, những doanh nghiệp vốn ít mà đầu tư nhiều, dàn trải, quản trị kém sẽ bị khó khăn, gây nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế.
Ngược lại, có những doanh nghiệp có chỉ số Ebitda ở mức vừa phải, nhưng do quản trị tài chính tốt, có vốn đầy đủ, cơ cấu tài sản hợp lý, quản trị hiệu quả, không lãng phí thì lãi thực của họ lại rất cao. Do vậy, chúng ta dùng chỉ số Ebitda mà thế giới đã sử dụng để so sánh giữa các doanh nghiệp khác nhau về cơ cấu vốn có thể gặp nhau ở điểm chung nhất là lãi ban đầu (lãi thuần) chưa tính đến các yếu tố về vốn là bao nhiêu, để làm cơ sở đánh giá người quản trị doanh nghiệp, cũng như cơ sở để các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán xem xét khi đối chiếu kết quả kinh doanh, nộp thuế.
Mặc dù mục tiêu phát triển đến năm 2020 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp, nhưng chúng ta cần những doanh nghiệp khỏe mạnh, làm ăn thực thụ chứ không cần doanh nghiệp sinh ra để trốn thuế mang lại rủi ro cho xã hội. Nghị định 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi phí lãi vay không được vượt quá 20% tổng lợi nhuận trước thuế, cũng là nhằm loại trừ các doanh nghiệp “tay không bắt giặc” như nêu ở trên, loại bỏ những doanh nghiệp yếu ra khỏi thị trường, do vậy cần được thực thi mạnh mẽ!