Thiếu đủ thứ
Chia sẻ tại hội nghị, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng y tế cơ sở chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít… Trong khi đó, nhiều người dân chưa quan tâm đến y tế dự phòng nâng cao sức khỏe, chỉ khi có bệnh mới chịu đi chữa trị. Đặc biệt ở nhiều TYT, đội ngũ bác sĩ còn thiếu và yếu.
"Các TYT điểm được rà soát toàn diện cả về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và có kế hoạch đầu tư trong năm 2018. Dự kiến 5 năm nữa, mô hình này sẽ được nhân rộng trên cả nước. Đây sẽ là bước đột phá giúp các TYT làm tròn vai “người gác cổng” trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân" - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến |
Vẫn theo ông Lương Ngọc Khuê, hầu hết TYT bố trí các phòng có công năng sử dụng chưa phù hợp, cần được cải tạo, nâng cấp; thiếu nhiều trang thiết bị hoặc cần phải bổ sung, thay thế do thiết bị cũ. “Tại 3 xã điểm của tỉnh Lâm Đồng, các TYT được đầu tư cơ sở khang trang nhưng không bố trí liên hoàn theo nguyên lý y học gia đình, các trạm này chưa có hệ thống xử lý nước thải, rác thải.
Ở một số TYT tại Hà Tĩnh, Yên Bái, Lâm Đồng, giường, tủ, quầy thuốc tuy có nhưng đã cũ, cần mua sắm bổ sung, thay thế cho đồng bộ. Chưa kể các trang thiết bị truyền thông, trang thiết bị phục vụ khám thai, khám phụ khoa, cân trẻ… đã hen gỉ, không sử dụng được”, ông Lương Ngọc Khuê dẫn chứng.
Báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng cho thấy, mặc dù độ bao phủ BHYT tại các TYT đạt trên 80% nhưng ngân sách cấp cho TYT rất thấp. BHYT vẫn chưa thanh toán một số dịch vụ. Trung bình tại các TYT chỉ thực hiện được 68,3% trong tổng số 76 dịch vụ của gói dịch vụ y tế cơ bản. Danh mục thuốc tại TYT chỉ đạt 36,5% số thuốc có sẵn theo Thông tư 39.
Chờ cú hích
Việc các TYT không đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người bệnh đã gây nên tình trạng vượt tuyến. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, có khoảng 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến Trung ương có thể được điều trị ở tuyến tỉnh và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện; 41,5% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể được điều trị ở TYT xã, phường. Để giảm tải cho y tế tuyến trên, ngành y tế đặt ra yêu cầu phát huy vai trò y tế cơ sở, tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho y tế cơ sở để thực hiện nhiệm vụ phát hiện, quản lý và điều trị người bệnh mắc các bệnh mãn tính. Trong các giải pháp, Bộ Y tế chú trọng đầu tư 26 TYT điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, đây là mô hình được chú trọng phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới và được người dân tin tưởng lựa chọn. Mô hình hoạt động dựa trên 6 nguyên tắc của nguyên lý y học gia đình là: Liên tục - toàn diện - lồng ghép - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng. Theo đó, các TYT sẽ thực hiện 7 nhiệm vụ chuyên môn, gồm: truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân; lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, quản lý theo dõi các bệnh không lây nhiễm; chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình; phòng bệnh, dinh dưỡng, tiêm chủng; y dược học cổ truyền…
Tới đây, Bộ Y tế sẽ triển khai hệ thống y tế từ xa (telemedicine) cho các TYT xã, phường điểm trong cả nước nhằm tối ưu hóa sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trên trong công tác khám chữa bệnh. Đề án sẽ bắt đầu tiến hành từ đầu năm 2019 với tổng kinh phí khoảng 3 tỷ đồng.
Với hệ thống telemedicine, chỉ cần một màn hình máy tính và thiết bị đầu cuối trên nền tảng mạng internet có sẵn, cán bộ y tế TYT xã, phường có thể kết nối với tuyến trên để tiếp nhận kiến thức y tế một cách nhanh chóng, kịp thời, tiện lợi bất cứ lúc nào mà không cần phải di chuyển lên tuyến trên. Bên cạnh đó, các bác sĩ bệnh viện tuyến trên có thể tham gia hội chẩn, chẩn đoán, hướng dẫn điều trị từ xa các ca bệnh tại TYT, không cần phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.