Cùng với đó, 2 bác sĩ từ Bệnh viện Quận Bình Thạnh được điều động về trạm trực tiếp khám chữa bệnh cho người dân; 30 bác sĩ trưởng, phó nhiều chuyên khoa của Bệnh viện Quận Bình Thạnh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Nhi đồng 2 trực tiếp hỗ trợ chuyên môn qua phần mềm hội chẩn trực tuyến. Khi gặp những trường hợp khó, bác sĩ ở trạm y tế có thể yêu cầu hội chẩn trực tuyến từ xa với các bệnh viện tuyến trên.
Dự kiến, sau Trạm Y tế phường 13 quận Bình Thạnh, Sở Y tế TPHCM tiếp tục mở rộng mô hình này đối với những quận, huyện đông dân cư và cố gắng mỗi quận, huyện sẽ có một trạm.
Với trạm y tế “kiểu mẫu”, bên cạnh việc cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị và nhất là danh mục thuốc thiết yếu cần thiết cho hoạt động khám chữa bệnh ban đầu, việc bổ sung nhân lực bác sĩ đã được đào tạo chương trình bác sĩ gia đình cũng cần phải được chú trọng.
Để thực hiện yêu cầu đó, ngành y tế thành phố đã chỉ đạo các bệnh viện và trung tâm y tế của 24 quận, huyện triển khai hoạt động luân phiên bác sĩ từ 6 - 12 tháng đến công tác tại trạm y tế, đồng thời các bác sĩ của trạm y tế sẽ được luân phiên “ngược” về các bệnh viện quận, huyện để nâng cao tay nghề và năng lực khám chữa bệnh.
Với khẩu hiệu “Không để bác sĩ ở trạm y tế đơn lẻ” trong công tác khám chữa bệnh, ngành y tế TPHCM cũng yêu cầu các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố cam kết thực hiện hội chẩn và tư vấn từ xa qua ứng dụng “apps hội chẩn” trên điện thoại thông minh.
Với ứng dụng này, các bác sĩ tại trạm y tế sẽ dễ dàng trao đổi và xin ý kiến chuyên môn ngay lập tức với các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành. Đây là những nỗ lực không ngừng của ngành y tế thành phố nhằm giúp y tế cơ sở làm tròn vai “người gác cổng”.