Lựa chọn người quản lý, cán bộ lãnh đạo thông qua thi tuyển, xét tuyển là một trong những “điểm mới” cần thảo luận, và đào sâu phân tích trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ của TPHCM.
Trước việc thi tuyển này, TPHCM đã ban hành Bộ tiêu chí về tiêu chuẩn các chức danh, chương trình hành động khi bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo. Bộ tiêu chí chính là cơ sở cho việc bố trí, bổ nhiệm, đề bạt, đánh giá cán bộ. Việc xây dựng chương trình hành động cũng là cam kết chính trị để lấy đó quy chiếu cho việc tự phê bình và phê bình nhận xét, đánh giá cán bộ. Phải thừa nhận một điều, cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 là một phép thử đối với con người, trong đó có bản lĩnh cán bộ. Qua đó, xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân tiêu biểu, xứng đáng với chức trách đảm nhận, song cũng bộc lộ hạn chế, bất cập về năng lực lẫn trách nhiệm của một số tổ chức, cán bộ. Với tất cả sự cẩn trọng, liêm chính, minh bạch, lãnh đạo thành phố đã quyết liệt điều động, luân chuyển, thậm chí cho nghỉ việc đối với những trường hợp xác đáng, cần thiết. Việc xem xét để tiến tới các quy trình thực thi luôn giữ nghiêm nguyên tắc, phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng, đảm bảo tính khách quan, công bằng và chặt chẽ trong công tác nhân sự - cán bộ của tổ chức, đơn vị.
Xuất phát từ tình hình thực tế, cán bộ trước khi được giới thiệu bổ nhiệm phải “đính kèm” báo cáo công tác phòng chống dịch Covid-19. Nếu không có báo cáo, tạm thời không xem xét như phát biểu báo cáo của Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM trong buổi làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với TPHCM. Rõ ràng, việc ban hành Bộ tiêu chí là một cách thức minh bạch hóa quy chuẩn và quy trình chọn lựa trước khi bổ nhiệm cán bộ. Điều đặc biệt là, chính các đầu việc thực tế đã được tập hợp, khái quát thành các tiêu chí; khi đã đáp ứng các tiêu chí thì sự vận hành và kết quả từ thực tế lại một lần nữa được kiểm nghiệm ở từng vị trí đã được bổ nhiệm, tiếp tục là thước đo đánh giá, nghiệm thu công tác cán bộ.
Có một thực tế cần được lưu tâm, là phải thật sự ươm trồng, chọn lọc tốt hơn những “hạt giống” cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý khối y tế, giáo dục; mà trước hết là tại các bệnh viện, trường đại học, cao đẳng trực thuộc UBND TPHCM, có cơ chế “hiệp thương” để chọn nhân sự đối với các bệnh viện/nhà trường theo ngành dọc trực thuộc các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn thành phố. Bởi, đây là hai lĩnh vực trực tiếp “trồng người” và “cứu người”, liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, là nguồn cán bộ, lãnh đạo các tổng công ty nhà nước thuộc thành phố quản lý, với trọng trách gánh vác các “quả đấm thép” nên chịu áp lực lớn, đòi hỏi bản lĩnh chính trị trên thương trường.
Thực chất công tác cán bộ là công tác liên quan đến con người, do đó sẽ luôn phải tỉnh táo và thường xuyên tự cảnh tỉnh, nhất là thông qua các hiện tượng phát sinh để kịp thời phát hiện, điều chỉnh, uốn nắn cái chưa được; phát huy, bảo vệ những thành tố tích cực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhiệm vụ “kép” này đã được lãnh đạo thành phố thực hiện xuyên suốt, đặc biệt “lồng ghép” vào công việc của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM là Kế hoạch 124 triển khai Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Một mặt trên đường thể chế hóa Kết luận 14, chính Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TPHCM cùng lãnh đạo sở ngành, địa phương “cam kết xem xét thấu đáo từng loại sự việc, vấn đề một cách khách quan, công tâm để cán bộ yên tâm làm việc”; vừa phải nắm bắt nhanh, phát hiện sớm những dấu hiệu biểu hiện vi phạm, những kẽ hở mà từ đó cán bộ dễ trục lợi, lạm dụng nhằm ngăn chặn, uốn nắn, loại bỏ.
Tuyển chọn công khai và cạnh tranh công việc là một trong những phương thức tuyển chọn và đề bạt cán bộ quản lý. “Trầm trầm mà cương quyết” như một nguyên tắc hành động, tiến tới việc xác lập một chuẩn mực cho quy trình đánh giá, chọn lựa, quản lý cán bộ một cách khách quan, công tâm, minh bạch, không bị tác động bởi các yếu tố “chạy chức, chạy quyền”. “Một lần làm, là một lần học”; việc giám sát toàn bộ quá trình thi cử - xét tuyển lần này mang lại thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn để điều chỉnh hay mở rộng các phương thức tuyển chọn một cách hiệu quả cán bộ công bộc cho đất nước!