Củ khoai, chai nước, bó rau…
Trạm tiếp nối không đồng (số 410/34D đường Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TPHCM) đi vào hoạt động từ tháng 1-2024, do một nhóm bạn trẻ cùng chung tay thực hiện. Các bạn hỗ trợ đăng bài chia sẻ lên mạng xã hội, tiếp nhận đồ dùng và phân loại, có bạn lo vận chuyển trà thảo dược đến trạm. Mỗi ngày, ngoài công việc đi làm kiếm tiền, mỗi người dành ra chút thời gian để duy trì trạm hoạt động từ 11 giờ đến 14 giờ (trừ thứ bảy và chủ nhật).
Theo chia sẻ từ nhóm bạn trẻ thành lập, Trạm tiếp nối không đồng bắt đầu từ ý tưởng ở mỗi khu vực cách không quá xa đều sẽ có một trạm tiếp nối để hỗ trợ lương thực, thức uống, nhu yếu phẩm dành cho những người sinh sống, qua lại ở khu vực gần đó nếu họ cần. Nguồn tiếp nhận của trạm ban đầu đến từ người quen, người thân ủng hộ. Sau đó một thời gian, nhiều hàng xóm xung quanh biết đến nên nhiều người giới thiệu và gửi đồ ủng hộ. Về sau, khi các bài chia sẻ lên nền tảng mạng xã hội Facebook được chú ý, vài nhà hảo tâm ở xa bắt đầu gửi đồ đến.
Gạo, khoai lang ở Trạm tiếp nối không đồng đều để ở bàn ngoài, trước cửa mỗi ngày. Nước mát gan sau khi ủ, sẽ được đóng chai để sẵn bên ngoài cho người đi ngang qua dễ nhận. Sau tầm 2 giờ, nếu nước mát còn dư, trạm sẽ đóng thành các phần quà nhỏ gồm: khoai, mì gói, thuốc xịt xoa bóp, nước mát để phát cho những người khó khăn trên đường… và kết thúc một ngày hoạt động.
Lấy vài củ khoai và chai nước mát, cô Nguyễn Thị T. (58 tuổi, ngụ quận Bình Tân) kể: “Nhiêu đây về luộc là đủ bữa sáng ngày mai. Nhà chỉ có một mình tôi nên lấy vài ba củ, 1 chai nước là đủ, không có ai nhắc nhở gì đâu, nhưng mình còn để phần người tới sau, người cần nữa. Mình không có gì để chia sẻ lại nên chỉ nhận đủ phần mình thôi, lấy nhiều ăn không hết rồi bỏ đi thì phí lắm”.
Nguồn đỡ đần nhau không chỉ là củ khoai, chai nước mát, bằng các mối liên hệ cá nhân, nhóm bạn trẻ có thêm trà thảo dược và thuốc nam để tặng cho người lao động khó khăn có thêm phương tiện chữa bệnh bằng việc ngâm chân, dùng trà thảo dược... để bồi bổ cơ thể.
Sống trọn vẹn cho mình, cho người
Quần áo, giày dép, túi xách, nón được sắp xếp riêng một kệ, một kệ dành cho thực phẩm, gia vị và một kệ trà thảo dược, thuốc dán đau nhức, thuốc xịt xoa bóp… được các bạn trẻ chăm chút mỗi ngày ngăn nắp, người tới nhận hay cho cũng dễ dàng phân loại. Chị Mỹ Tiên, thành viên sáng lập Trạm tiếp nối không đồng, chia sẻ: “Riêng số lượng quần áo nếu được góp quá nhiều sẽ được trạm chuyển tạm lên kho, để tiếp tục phân loại và sẽ được tặng vào những chuyến từ thiện riêng ở các vùng sâu, vùng xa. Đồ dùng của trạm nếu để một thời gian chưa ai lấy thì sẽ được chụp ảnh và đăng lên trang Facebook của trạm hoặc các nhóm đồ cũ trên mạng để người cần thì liên hệ đến lấy”.
Không nhận mình cho đi hay nhận lại, các thành viên của Trạm tiếp nối không đồng tâm niệm mọi hoạt động đúng như tên gọi: một địa chỉ kết nối người trao - người nhận, kết nối những vòng tay san sẻ.
Mỹ Tiên chia sẻ thêm: “Tôi từng gặp một cô bán rau, cô thường đến lấy gạo, khoai. Hôm đó cô bán không hết rau, nên cô tặng lại rau cho bên trạm. Rồi sau đó, có những cô chú lao động khác ghé trạm lấy đồ, thấy rau cũng xin một ít, ai nấy chia nhau, nhường nhau mấy bó rau nhỏ, để ai cũng có phần. Trong đó, cũng có một cô đem quần áo đến tặng để trạm tiếp tục trao cho người cần. Tôi nhớ mãi vì khoảnh khắc đó khiến tôi cảm thấy ấm áp, mọi người dù đến nhận quà, nhưng biết quan tâm đến người khó hơn mình, biết cho đi…”.
Hiện tại, trạm đang tiếp nhận và chia sẻ các đồ dùng, vật dụng, quần áo… trao cho nơi cần, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người nhận, với mục đích là bớt sự phung phí, giảm lượng rác thải ra môi trường. Ở năm đầu, trạm đang thử nghiệm hoạt động ở quận Bình Tân để có thêm kinh nghiệm, trải nghiệm về các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình vận hành, nhờ đó sẽ hoàn thiện và mở rộng trạm tốt hơn cho năm tới.
“Ở góc nhìn cá nhân của mình, sống trọn vẹn không chỉ là sống hết mọi giây phút mình đang có riêng cho bản thân, mà nên đem lại những điều hữu ích, dù là nhỏ nhất, cho cộng đồng, xã hội. Đó mới thực sự là trọn vẹn, trọn vẹn cho hiện tại và cho cả mai sau”, chị Mỹ Tiên chia sẻ.