Vì sao trạm thu phí đường tránh nhưng lại đặt trên quốc lộ 1 - nút cổ chai về ĐBSCL - là câu hỏi cần phải được các ngành chức năng trả lời.
Giá phí 12km bằng đường cao tốc
Trạm thu phí Cai Lậy thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy) và tăng cường mặt đường đoạn Km1987+560 - Km2014+000 tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Trạm thu phí tuyến tránh thị xã Cai Lậy) được đưa vào hoạt động từ ngày 1-8, do BOT Tiền Giang làm chủ đầu tư.
Đây là trạm thu phí được thực hiện theo hình thức BOT để hoàn vốn dự án, đã được Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận hoạt động, thu phí trong thời gian 6 năm 4 tháng. Theo đó, mức thu, chế độ thu nộp và quản lý phí sử dụng đường bộ qua trạm thu phí này được thực hiện theo Thông tư 30/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 23-2- 2016 và Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15-11-2016 của Bộ GTVT.
Theo mức phí đã công bố, mỗi xe qua trạm mua phí từ 35.000 - 180.000 đồng, tùy loại xe. Trong đó, chiều dài tuyến tránh Cai Lậy khoảng 12,02km, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng; gia cường mặt đường quốc lộ 1 (từ xã Nhị Quý, thị xã Cai Lậy) đến xã Mỹ Đức Đông (huyện Cái Bè) chiều dài 26,5km, tổng vốn đầu tư khoảng 340 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc BOT Tiền Giang, cho biết mức phí của Trạm thu phí tuyến tránh thị xã Cai Lậy đã được liên Bộ Tài chính và Bộ GTVT ban hành, BOT Tiền Giang không tham mưu, đề xuất để xây dựng mức giá, nên không dám nói cao hay thấp. Thế nhưng, hầu hết các tài xế khi qua trạm đều cho rằng mức phí này quá cao. Theo đó, tuyến tránh thị xã Cai Lậy chỉ 12km mà thu tới 35.000 đồng/vé/lượt, cao gần bằng khoản thu phí của 50km đường cao tốc TPHCM - Trung Lương (40.000 đồng/lượt/50km).
Phản ứng việc chủ đầu tư đặt trạm thu phí không hợp lý và bán vé thu phí quá cao, nhiều tài xế dùng tiền lẻ mệnh giá nhỏ 200 đồng, 500 đồng… bỏ vào chai nhựa hoặc bao nhựa để mua vé qua trạm, nhằm gây khó khăn, mất thời gian cho nhân viên trạm thu phí trong kiểm đếm để xuất vé.
Theo ông Nguyễn Phú Hiệp, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trạm thu phí tuyến tránh thị xã Cai Lậy đã ghi nhận có 15 trường hợp tài xế dùng tiền lẻ mệnh giá nhỏ bỏ vào chai nhựa hoặc bao nhựa để mua vé qua trạm.
“Trước mắt, những trường hợp đưa tiền lẻ để mua vé qua trạm sẽ được giải quyết bằng cách cho xe chạy qua trạm và chờ ở làn dự phòng. Khi nhân viên thu phí đếm đủ tiền sẽ cho phương tiện đi tiếp”, ông Hiệp cho biết.
Đặt sai vị trí?
Một vấn đề gây tranh cãi hiện nay là vị trí đặt trạm thu phí. Theo ông Nguyễn Phú Hiệp, vị trí đặt trạm đã được UBND tỉnh Tiền Giang đồng ý và Bộ GTVT với Bộ Tài chính đồng thuận. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, việc bảo trì tăng cường mặt đường quốc lộ 1 vẫn chưa được chủ đầu tư thực hiện một cách hoàn chỉnh. Mặt đường quốc lộ 1 nhiều nơi vẫn xuống cấp, xuất hiện ổ gà gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhất là xe 2 bánh.
Một chủ xe chạy tuyến Cần Thơ - TPHCM cho biết: “Xe tôi không sử dụng đường tránh thị xã Cai Lậy, tại sao phải mua phí BOT của đường này?”.
Dư luận có quyền đặt câu hỏi, phải chăng với lý do tăng cường mặt đường quốc lộ 1 là BOT Tiền Giang có quyền đặt trạm thu phí trên tuyến quốc lộ huyết mạch này? Một chuyên gia phân tích: Với lưu lượng trung bình hơn 50.000 lượt ô tô các loại lưu thông trên quốc lộ 1 qua địa phận Tiền Giang mỗi ngày, nếu lấy mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt (ô tô dưới 12 chỗ ngồi) thì mỗi ngày trạm thu phí sẽ thu được ít nhất là 1,75 tỷ đồng. Với thời gian được phép thu phí là 6 năm 4 tháng thì chủ đầu tư sẽ thu được ít nhất hơn 4.000 tỷ đồng. Trong khi tổng đầu tư cho tuyến đường tránh và cả tăng cường mặt đường quốc lộ 1 chỉ 1.400 tỷ đồng!
Một vấn đề phát sinh khác đang gây đau đầu cho chủ đầu tư và các ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang là từ ngày 1-8 đến nay, hàng ngày các phương tiện giao thông cứ nối đuôi nhau đi vào các tuyến huyện lộ 67 và 63 (thuộc huyện Cai Lậy) để né trạm thu phí, làm cho số phương tiện giao thông trên các tuyến đường này tăng đột biến. Tình trạng này nếu cứ kéo dài sẽ làm cho đường sá sẽ mau xuống cấp và không đảm bảo an toàn giao thông.