Nỗi niềm kinh doanh tài tử
Người cầm trịch giữ song lang trong ban đờn ca tài tử (ĐCTT) phải giỏi đờn, chắc nhịp, nhiệm vụ này được giao cho chú Tư Loan (NNƯT Phạm Văn Loan, 68 tuổi, ngụ huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu). Học đờn từ năm 13 tuổi, ngón đờn kìm của chú Tư Loan thuộc hàng có tiếng ở đất Bạc Liêu. Anh em quý mến ngồi đờn hát với nhau cho vui hay góp mặt cùng đoàn của tỉnh đi dự thi, giao lưu… thì chú Tư sẵn lòng; còn chuyện mời đờn hát ở nhà hàng hay quán nhậu, chú lắc đầu từ chối, dẫu tiền cát-xê cao gấp mấy lần trung tâm tỉnh hỗ trợ mỗi bận đi thi.
Chú Tư tâm sự: “Tài tử mà bây, phải có hứng thì đờn ca mới vui. Còn hát phục vụ khách nhậu, nhà hàng, đó là kinh doanh tài tử. Ngày thường chú Tư có nuôi tôm, nên ĐCTT là đam mê chứ không phải công việc mưu sinh. Còn người ta lấy đờn ca để kiếm cơm, thì đành phải chịu vậy thôi. Nhiều chỗ mời chú Tư đờn lắm, nhưng mà thôi, nhận lời rồi phải chiều ý khách. Nhịp đờn phải chiều theo người ca, mà khách nhậu thì được mấy người biết bài bản tài tử… Mình theo đờn ca từ nhỏ, học hành đủ bài bản tổ, thấy vậy buồn lắm, không làm được”.
NNƯT có tiếng như chú Tư, không cần giở sách cũng đờn ngon lành 20 bài bản tổ. Năm 2007, theo lời mời từ Cục Di sản văn hóa, chú Tư sang Mỹ góp phần truyền bá loại hình âm nhạc độc đáo của Việt Nam… Nhưng phần hỗ trợ mà chú Tư nhận cho mỗi bận chuẩn bị đi dự thi chỉ 100.000 đồng/ngày. “Nhà chú cách trung tâm tỉnh 70km, đi về hết 140km nhưng tiền hỗ trợ chỉ 100.000 đồng, thì ăn uống phải bỏ tiền túi là cái chắc. Cái chính là mình mê đờn ca và muốn đờn ca, để người ta còn nhớ và biết đến ĐCTT”, chú Tư chia sẻ.
Người chơi tài tử ngẫu hứng, tiếng đờn là tiếng lòng, vì thế mà dân đờn ca với nhau hay gọi là tâm - tấu. Nhưng đã buộc mình bước chân vào nhà hàng, quán nhậu thì đờn ca phải chiều lòng khách. Gần 30 năm theo ĐCTT, đờn kìm hay đờn sến không có gì là trở ngại với chú Ba Tới (63 tuổi, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), nhưng nhắc đến chuyện đờn ở nhà hàng, chú lắc đầu.
“Khách hát rồi vỗ tay khen hay nhưng cái hay thực chất là mình ráng đờn theo ý khách, và người ta ca vọng cổ chứ có phải bài bản tài tử đâu. Có khi mình đang đờn, khách lên kêu thôi, hát bolero…, cả ban đờn nghỉ luôn, vì hát bolero thì một cây đàn organ là đủ rồi. Từ lần đó, tôi nghỉ luôn, chỉ đờn ca trong nhà, trong xóm cho vui, chứ không theo mấy nhà hàng nữa, thấy buồn lắm”, chú Ba kể.
Đờn ca ở quán nhậu, nhà hàng thì phải chiều lòng khách, tiếng đờn chẻ nhịp, bài bản đứt đoạn là điều dễ hiểu… NNƯT Đỗ Ngọc Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT tỉnh Bạc Liêu, tâm sự: “Nếu lấy ĐCTT làm nghề kiếm cơm, mà người đờn người ca kiểu tri âm, tâm tình cho vui thì sống bằng cái gì, đờn ca nhà hàng hay đám tiệc thì phải chiều lòng khách thôi. Chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân theo đờn ca hiện tại vẫn chưa xứng tầm, nên khó đòi hỏi bảo tồn và giữ nguyên cái chất tài tử ngẫu hứng như ban đầu”.
Tác giả Nguyễn Thanh Long, chủ biên chương trình Tài tử miệt vườn (Đài PT-TH Đồng Tháp), đã kết nối mọi người đam mê tài tử qua 2 mùa thi Tài tử miệt vườn, với hàng ngàn hồ sơ dự thi. Anh Thanh Long chia sẻ, thông qua chương trình là cách để phong trào ĐCTT phát triển lớn mạnh; nhưng ở đó sân chơi phải có sự cách tân, không rập khuôn, nội dung phong phú, có chiều sâu để mọi người “ăn mà không ngán”. Quan trọng nhất vẫn là kinh phí tổ chức. Nhưng hiện các chương trình ĐCTT trên truyền hình vẫn chưa được đầu tư bài bản. |
Điệu buồn phương Nam
Ở khu vực trung tâm TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) muốn tìm câu ca, tiếng đờn ngẫu hứng trước sân nhà cũng khó. Đờn ca trước sân nhà, ngoài vườn, ngoài ruộng hay xuôi theo những ghe thương hồ… với bạn trẻ 8X, 9X gần như chỉ là câu chuyện nghe ông bà, cha mẹ kể lại.
NSƯT Khưu Minh Chiến, nguyên Trưởng đoàn Cải lương Cao Văn Lầu, tỉnh Bạc Liêu, trăn trở: “ĐCTT hình thành rất mộc mạc, chân quê, một cây đờn, một người ca cũng đủ làm nên bài bản. Người ta hát ngẫu hứng với nhau ở trước sân nhà hay một góc vườn, nhưng bây giờ những không gian đó cứ hẹp dần, nhất là ở đô thị. Mình phải tái hiện hay xây dựng một không gian như thế nào để ĐCTT có thể phát huy trong cộng đồng, phù hợp nhịp sống xã hội đương thời?”.
Theo NSƯT Minh Chiến, những không gian tái hiện hay điểm sinh hoạt cộng đồng, vừa bảo tồn vừa kết hợp du lịch để phát triển ĐCTT là giải pháp. Lên kế hoạch tái hiện không gian ĐCTT từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình chờ đợi hoàn tất các thủ tục pháp lý, NSƯT Khưu Minh Chiến chia sẻ: “Tôi lấy tên là Trung tâm ĐCTT Bạc Liêu, như một nơi sinh hoạt cộng đồng dành cho ĐCTT, vị trí khu đất nằm gần sông Vàm Lẽo rất thích hợp để phát triển đờn ca kết hợp du lịch. ĐCTT bây giờ đã mang tầm vóc di sản thế giới, tôi nghĩ bảo tồn nó là trách nhiệm của mỗi người chứ không riêng gì những thầy đờn hay nghệ nhân. Tâm huyết xây dựng trung tâm của tôi cũng là vậy, mình ở đất Bạc Liêu mà để đờn ca mai một thì buồn biết bao nhiêu”.
Từ không gian cho ĐCTT đến chuyện bảo tồn đúng tinh thần tài tử thuở ban đầu cũng đặt ra nhiều thách thức. NSƯT Đinh Minh Mẫn, nguyên Trưởng đoàn Văn công tỉnh Đồng Tháp, nói: “Không gian tài tử là tâm tình, ngẫu hứng chứ không phải phông màn, cảnh trí hay sân khấu sắp đặt như sân khấu cải lương. Nhưng thị hiếu khán giả bây giờ thay đổi, muốn ĐCTT thu hút, giữ chân người xem đến cuối chương trình, mình phải biết bài trí sân khấu như tái hiện cảnh sông nước chẳng hạn, hay phần ca cũng phải xen kẽ hò, hát lý, dân ca bên cạnh bài bản để khán giả không chán”.
Tuy nhiên, để bảo tồn ĐCTT vẫn còn rào cản rất lớn. Cốt lõi của rào cản vẫn là chính sách cho nghệ nhân. Chị Lý Phương Phương, Phó Chủ nhiệm CLB ĐCTT quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, trải lòng: Muốn hoạt động phong trào mạnh nhưng kinh phí dành cho CLB hoạt động khá khiêm tốn. Thực tế, một lần hát tài tử, tiền cát-xê chỉ vài trăm ngàn cho cả ê kíp, nhưng phải bỏ công sức, thời gian tập dượt, đầu tư trang phục… nên rất khó để nghệ sĩ theo nghề. Và mặc dù muốn bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật này, nhưng đối với các sự kiện văn hóa - xã hội lớn, hầu như rất ít chương trình đưa ĐCTT vào trình diễn.
Nhiều nghệ nhân lẫn các nhà nghiên cứu văn hóa nhìn nhận, không gọi biểu diễn ĐCTT mà đó là thực hành/sinh hoạt…; bởi cái chất ban đầu là hình thành tự nhiên, kết nối hữu tình giữa những người mê đờn ca. Chuyện ĐCTT mai một là nỗi buồn canh cánh bên cạnh lo lắng chất tài tử ngày càng mất đi và không gian cho tiếng đờn cũng nhiều thay đổi. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản, có lẽ cần hơn hết là giữ lấy hồn cốt ban đầu, làm điểm tựa để hài hòa cùng dòng chảy nghệ thuật đương đại, để tiếng đờn không mất chất theo nhịp sống thị trường.
Ông Võ Anh Tuấn, Giám đốc Nhà văn hóa Thiếu nhi TP Cần Thơ, cho rằng: Muốn bảo tồn, góc độ quản lý Nhà nước nên có chiến lược dài hơi, và muốn làm được điều đó thì phải xây dựng được thế hệ trẻ yêu mến tài tử. Nhà văn hóa Thiếu nhi TP Cần Thơ đã mở 2 lớp chiêu sinh cho thiếu nhi về căn bản ĐCTT. Sau 2 khóa, có nhiều nhân tố mới có đam mê, yêu thích với loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, số lượng học sinh đăng ký khá ít, bởi theo dòng chảy thời gian, ĐCTT rất kén người nghe, người học, để hát hay lại càng khó hơn. Khi chiêu sinh, Nhà văn hóa Thiếu nhi TP Cần Thơ phối hợp với các nghệ nhân, nghệ sĩ viết những ca từ mới, tươi tắn, gần gũi dựa trên nền nhạc của 20 bài bản tổ để các em làm quen. |