L.T.S: Hò, xự, xang, xê, cống - năm cung điệu hòa vào dòng chảy, nhịp sống Nam bộ như hơi thở văn hóa của vùng đất đồng bằng. Liệu tiếng đờn trăm năm vọng lại niềm tự hào về một di sản thế giới hay canh cánh nỗi niềm mai một trước thị hiếu đương thời? Nhân dịp Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III tổ chức tại TP Cần Thơ từ ngày 7-4 đến 12-4, Báo SGGP giới thiệu đến bạn đọc loạt bài Trăm năm vọng lại tiếng đờn, như góp thêm tiếng nói để bảo tồn và phát huy loại hình văn hóa đặc biệt này ở vùng đất Chín Rồng.
“Dân miệt này hổng biết hát đờn ca là quê lắm nha. Lâu lâu có khách thành phố ghé chơi, phải hát đờn ca, bài bản đàng hoàng chớ. Ngồi nghe chú hát có dở cũng đừng chê nghen con…”. Chú cười khà khà rồi hát điệu Nam xuân. Sinh ra ngay đất Bạc Liêu - một trong những cái nôi của đờn ca tài tử Nam bộ, câu ca, tiếng đờn thấm vào chú như hơi thở: “Mê lắm, bây ơi!”.
Di sản miệt vườn
Đờn ca tài tử (ĐCTT) có mặt khắp nơi ở đất phương Nam, tiếng đờn cò nỉ non, ai oán; tiếng đờn kìm mùi mẫn đến thổn thức ruột gan… hòa điệu bài bản ngọt ngào như Nam xuân, Lưu thủy, Xuân tình… Âm sắc di sản ấy vọng ra trong mỗi nếp nhà ở miệt đồng bằng hay dưới những rặng dừa, vườn cây xanh mướt mỗi buổi chiều tà, chảy dài mênh mang như con nước lớn, ròng của dòng Cửu Long, đọng lại như lớp phù sa tinh thần nuôi dưỡng hồn cốt văn hóa đất và người Nam bộ.
Ở quê chú, một tiếng đờn ngẫu hứng cũng thành bài ca nao lòng người nghe, bởi ở đất Bạc Liêu, phong trào ĐCTT hình thành từ rất sớm và cũng là nơi ra đời của bản vọng cổ đầu tiên - Dạ cổ Hoài lang do bác Sáu Lầu (soạn giả Cao Văn Lầu) viết nên.
Nhắc tới đây, chú Mai Kiệm (66 tuổi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) nói: “Quê hương bác Sáu Lầu nổi tiếng đờn ca nghen con, ở đây chỗ nào cũng có người biết hát. ĐCTT ngộ lắm nghen bây, phải học mới biết hát và phải hiểu thì nghe mới hay à nha, vừa bác học vừa bình dân là ở chỗ đó nghen”.
Hết công chuyện ở vuông tôm là chú về nhà, giở lịch coi ngày tháng bao nhiêu, nhẩm tính từng ngày để CLB họp mặt sinh hoạt vào ngày 13, 14 âm lịch mỗi tháng. CLB cấp xã bắt đầu hoạt động vào năm 2003, chỉ có 7 thành viên (4 người ca, 3 người đờn) thì nay ngót nghét cũng hai chục người. Chú Kiệm kể: “Chọn ngày 13, 14 âm lịch là vì mấy ngày đó thường bà con mình không tổ chức tiệc tùng gì, CLB sinh hoạt để đủ mặt thành viên, ngồi đờn hát với nhau cho vui”.
Người nuôi tôm, người buôn bán ve chai, người làm ruộng…, ai nấy cũng có một cái nghề, còn ĐCTT là đam mê. Sinh ra giữa câu ca, tiếng đờn nên ĐCTT với họ là “đặc sản” quê hương, và lời ca chưa bao giờ phải chịu áp lực cơm áo gạo tiền. “Ở đây ai cũng vậy, anh em đờn hát với nhau là vì mê đờn ca từ thuở nhỏ. Sau này, mới có CLB này kia, chia từ cấp tỉnh, xuống huyện, xã, chứ trước đây cứ ai mê đờn ca thì tụm lại, người đờn, người hát cho vui. Có khi buồn quá, tao đi vuông tôm có ai đờn gì đâu, tao cũng hát cho vui tai, đỡ mệt luôn”, chú Mai Kiệm chia sẻ.
Và có được công nhận danh hiệu hay không thì với những người như chú Mai Kiệm, có lẽ không cần phải suy nghĩ, bởi nó là hơi thở, là di sản của xứ sở quê mình. “Đợt rồi trên huyện có hướng dẫn làm hồ sơ gửi lên tỉnh, lên bộ, người ta dặn sao chú làm y vậy, nghe đâu xong hết rồi, chờ đợt tới là chú được công nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Nói cho bây mừng, chứ không phải chú khoe, miễn còn đờn còn hát với nhau là vui rồi, danh hiệu có hay không thì mình cũng đờn hát như xưa giờ thôi”, chú tâm tình.
Tiếng đờn còn đó, người thương chưa về
12 giờ trưa, tại rạp hát Cao Văn Lầu cũ (đường Hai Bà Trưng, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) lời ca, tiếng đàn vẫn vang vọng trong không gian phố thị nhộn nhịp.
Ông Vưu Long Vĩ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bạc Liêu, cho hay, đây là những nghệ nhân, nghệ sĩ của trung tâm đang tập dượt chuẩn bị cho Liên hoan ĐCTT quốc gia diễn ra tại TP Cần Thơ vào những ngày đầu tháng tư. Nếu trước đây, ĐCTT mạnh nhất ở huyện Phước Long và TP Bạc Liêu thì giờ hầu hết len lỏi vào các vùng quê, có mặt trong các tiệc cưới, hỏi, liên hoan, khánh tiết, như một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Bạc Liêu. “Có người hát hay, có người ngô nghê hát vài câu nhưng mình thấy vui vì họ hiểu và cháy bỏng với loại hình nghệ thuật này”, ông Vưu Long Vĩ kể.
Trung tâm văn hóa cấp tỉnh không thiếu nghệ sĩ có biên chế, nhưng hát ĐCTT chỉ vỏn vẹn có hai người. Chuyển công tác từ Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu sang Trung tâm Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bạc Liêu, chị Khưu Hoài Thương là 1 trong 2 nghệ nhân ĐCTT có biên chế của trung tâm.
Mê cổ nhạc từ thuở nhỏ và nối nghiệp sân khấu từ cha mình, chị Hoài Thương chia sẻ: “Mình phải chắc nhịp và ca đúng bài bản, đó là phần người ca, còn người nghe không hiểu về đờn ca thì cũng khó cảm hơn là nghe một câu vọng cổ hay một trích đoạn cải lương. Tôi là nghệ nhân có biên chế, ngoài lương căn bản, hát thêm bên ngoài cũng có thêm chút đỉnh. Còn những cô chú nghệ nhân, thầy đờn bên ngoài, nhiều người nằm lòng 20 bài bản tổ, nói tới đâu là ca không trật câu nào tới đó. Nhưng phần nhiều các cô chú chưa có chính sách hỗ trợ tương xứng nên mạnh ai nấy sinh hoạt theo thời gian rảnh rỗi, cho nên chỗ phong trào tài tử mạnh, chỗ gần như không còn cũng là vậy”.
Lưu giữ một điều gì theo thời gian cũng cần phải gắn với đời sống vật chất và tinh thần của người dân, làm được vậy, tự khắc việc lưu giữ, trao truyền sẽ dễ dàng hơn… ĐCTT cũng thế, nó chảy như dòng sông quê, như lớp phù sa lắng đọng của đồng bằng, và điều trăn trở chính là thế hệ tiếp nối. Hai năm dịch bệnh, nhiều hoạt động đành gián đoạn, nhưng khi nhắc đến chuyện đưa ĐCTT vào trường học, chị Hoài Thương bày tỏ: “Lúc mới về trung tâm, tôi cũng được phân công phụ trách đứng lớp để chia sẻ cho thầy cô giáo dạy âm nhạc trong các trường học ở 3 trong 7 huyện của tỉnh Bạc Liêu. Thấy mọi người nhiệt tình đón nhận, tìm hiểu, mình chia sẻ cũng thấy nổi máu nghề. Bạn trẻ bây giờ cũng có người thích đờn ca, nhưng có điều họ không biết hát. Cái chính là cách mình chia sẻ làm sao để mọi người hiểu và cảm được khi nghe ĐCTT, từ đó việc duy trì và phát triển sẽ không khó”.
Trên quê hương của bản vọng cổ đầu tiên, một trong những cái nôi ĐCTT của đất phương Nam, nỗi niềm như chị Hoài Thương trăn trở không phải hiếm. ĐCTT chỉ còn mạnh ở một số huyện, xã mà tốc độ đô thị hóa còn chậm, chưa có nhiều loại hình giải trí khác, cái “la-dô” (radio, cách đọc trại đi của dân Nam bộ - PV) vẫn còn ưu thế.
Cũng nỗi niềm trăn trở tìm người kế nghiệp, khi đám nhỏ trong nhà không có đứa nào mặn mà đờn ca, bác Nguyễn Văn Tài (72 tuổi, ngụ thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ: “Tôi mê đờn ca, nên học theo mấy ông thầy đi trước, biết đờn, biết hát bài bản cũng hơn ba chục năm nay. Nhưng nói nào ngay, mấy ông bạn từ thời nối khố tụm ba tụm bảy hát với nhau thôi, chứ không có CLB gì. Giờ muốn truyền lại cho mấy đứa nhỏ trong nhà mà không thấy đứa nào mê, hết đời tôi chắc cũng cất luôn cây đờn…”.
Sức sống trăm năm của ĐCTT vẫn còn đó và chắc chắn sẽ còn lâu dài, bởi nó là một mạch chảy văn hóa góp phần làm nên hồn cốt đất Nam bộ. Nhưng lâu dài là được bao nhiêu, khi tiếng đờn, lời ca ở đó mà người thương chưa về…
Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có hơn 300 CLB ĐCTT với hơn 3.000 thành viên. Đa số các CLB ĐCTT duy trì sinh hoạt, tham gia các cuộc liên hoan, giao lưu, hội thi, hội diễn do cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức; và một số khóm, ấp đã duy trì hoạt động của CLB ĐCTT, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân. Trong không gian rộng lớn của TP Bạc Liêu, trong tiếng ồn ào nhộn nhịp thì ở đâu đó, tiếng đờn, tiếng ca của những nghệ sĩ chuyên và không chuyên vẫn ngân vang trong những lúc thanh nhàn, tự hào về quê hương xứ sở: “Quê tôi, Bạc Liêu biển bạc đồng vàng, mùi hương nhãn ngọt ngào, là nơi cho ra đời bài Dạ cổ hoài lang, đồng xanh quê ta tắm phù sa đất ân tình, cùng dòng sông thơ mộng, như một bản tình ca…”. |