Theo lời kể của NSND Ba Vân, người có mặt trong thời gầy dựng của Nghĩa Hiệp Ban cho biết là sau một thời gian tập tành suốt mấy tháng, gánh có những tuồng tích hấp dẫn như: Xử án Bàng Quý Phi, Anh hùng náo, An Đồng Mạo Hôn… Bắt đầu khai trương vào năm 1927 tại Phan Thiết, Nghĩa Hiệp Ban không hát ở Sài Gòn mà giông một lèo ra Phan Rang, Quy Nhơn và sẵn đường tiến ra Vinh, Thanh Hóa rồi cuối năm đến thẳng trung tâm nghệ thuật của đất Bắc kỳ - Hà Nội.
2. Sinh viên Mỹ Tho ở Hà Nội và nỗi nhớ cải lương. Thời đó, Hà Nội là đất của hát bội và chèo với hai rạp nổi tiếng là Quảng Lạc (hát bội) và Sán Nhiên Đài (chèo). Trước khi Nghĩa Hiệp Ban xuất hiện, vào năm 1919 đã có gánh hát của ông Sáu Súng “nổ đì đùng” lời ca tiếng hát ở Hà Nội. Nhưng gánh của ông Sáu Súng chưa phải là một gánh hát cải lương đúng nghĩa mà thời bây giờ ta hào hứng đặt tên là tạp kỹ, vì chương trình của gánh ông Sáu Súng vừa có xiếc, vừa hát những bản nhạc đờn ca tài tử lại có ra bộ. Rồi tiếp là những gánh chỉ hát hoạt cảnh có ca như Phước Hôi Ban, Tân Lập Ban tiếp tục ra mắt khán giả Hà thành.
Có lẽ, trong thời kỳ này, những gánh hát nói trên đã mang đến cho các sinh viên Mỹ Tho đang trọ học tại Hà Nội nỗi nhớ cải lương qua những tuồng của gánh cải lương thầy Năm Tú mà họ đã biết từ khi còn là học sinh. Họ đã tự tập hợp, viết cải lương và diễn. Sinh viên Nguyễn Văn Tuệ (Trường Lục lộ - Công chánh) đã đặt tuồng cải lương Kim Vân Kiều. Theo lời ông Tuệ kể lại, chính ông đờn và ca, tập đờn và tập ca cho nhân viên của rạp Quảng Lạc, làm thầy tuồng, dựng lên tuồng cải lương đầu tiên đó tại rạp Quảng Lạc.
Cũng trong khoảng thời gian từ năm 1920 đến 1925, hai sinh viên khác là Trương Kế An (Y khoa) và Trần Quang Hiển (Thú y) cùng nhau soạn vở Bên tình bên hiếu (trích Đồng Nai văn tập). Rồi sinh viên Phạm Công Bình (Sư phạm) soạn vở Tối độc phụ Nhân Tâm. Ông Bình cho biết: “Lúc tôi còn học tại Hà Nội, thì anh em đốc tôi soạn một bổn tuồng cải lương, trước là để diễn giúp cho hội “Amicale de l’Université Indochinoise” mới lập, sau nữa, tỏ cho người Bắc biết điệu hát cải lương Nam kỳ”.
Nhưng vì là sinh viên nên họ chỉ diễn kiểu nghiệp dư, có tính chất quần chúng hơn là một gánh cải lương chuyên nghiệp, diễn xong rồi mạnh ai về nhà nấy mà lo chuyện học hành cho rạng rỡ tông môn hơn là đi hát mà chưa biết cuộc đời sẽ trôi về bến nào? Họ chỉ đi hát vì nhớ đến nghệ thuật cải lương của xứ Mỹ Tho, muốn giới thiệu điệu hát của xứ sở Nam kỳ cho người đất Bắc mà thôi chứ chẳng có mộng làm đào làm kép. Rõ là ngày xưa trong đám sinh viên ấy, chưa thấy ai theo mộng kiếp đào!
3. Nghĩa Hiệp Ban - gánh cải lương đầu tiên diễn trên đất Bắc. Những phong trào cải lương tài tử này đã mở đường dư luận cho gánh Nghĩa Hiệp Ban của ông Năm Đẩu - một gánh cải lương quy mô đầu tiên xuất hiện trên đất Hà Nội.
Tờ Hà Thành Ngọ Báo ngày 11-6-1927 đã đăng một quảng cáo như sau: “Nghĩa Hiệp Ban là một ban hát cải lương của M. Nguyễn Văn Đẩu Sài Gòn, cả thảy vừa đào, vừa kép vừa nhạc công có đến non năm chục (50) người, dạo khắp Nam kỳ và Trung kỳ, nơi nào cũng được liệt quý khán giả hoan nghênh. Nay mới là lần thứ nhất ra đến xứ Bắc kỳ ta, thì lưu trú tại Quảng Lạc hý viện. Định đến tối chủ nhật ngày 20-11-1927 bắt đầu khai diễn: Anh hùng náo (Sở Vân té lầu). Tấn hát nầy đáng vai tuồng lắm, mỗi vai đều có điệu bộ riêng… Nhiều cảnh bài trí rất lạ! Phục sức nhiều bộ rất đẹp: Ca xoang nhiều bài rất lý thú! Âm nhạc nhiều khúc rất du dương! Lại có vai mặc theo lối tuồng cải lương lạ lùng, xưa nay chưa hề thấy có ở Hà Nội ta bao giờ” (Trần Việt Ngữ - Nghệ sĩ Ba Vân với sân khấu cải lương).
Riêng về chuyện phục trang, cụ Vương Hồng Sển nhận xét về gánh Nghĩa Hiệp Ban như sau: “Phần biên soạn thì vững chắc, nhưng y phục và cách trang sức kém mỹ thuật đến gần lố lăng: kép võ đào võ mặc áo nhung cổ bẻ kiểu pyjama chung quanh viền cặp đường biên bằng lông trừu trắng toát, đầu đội khăn xếp, chơn đi giày Tàu. Thường dùng bít tất dài nịt lên tận háng, và mặc quần đùi bắt chước cách ăn vận của phường xiệc. Anh kép chị đào nào cũng có áo choàng và tay cầm đoản đao hay trường côn. Cũng những tuồng của các gánh khác đã diễn… sau rốt hát không lại các gánh khác và rã gánh” (Hồi ký 50 năm mê hát).
4. Quảng Lạc bỏ hát bội chuyển sang cải lương. Thực ra cụ Vương Hồng Sển nhận định về sự rã gánh của Nghĩa Hiệp Ban vì “hát không lại các gánh khác và rã gánh” là không chính xác. Theo tài liệu của ông Trần Việt Ngữ phỏng vấn nghệ sĩ Sỹ Tiến và Ba Vân (Nghệ sĩ Ba Vân với Sân khấu Cải lương) thì sau ba đêm diễn ở nhà hát Quảng Lạc, Nghĩa Hiệp Ban chuyển sang diễn ở rạp Cải lương Hý viện (phố Hàng Bạc) và hơn nửa tháng làm mưa làm gió ở đất Hà thành, gánh phải rã bành tô. Chẳng phải vì hát không lại các gánh khác khi ở đất Bắc chỉ có gánh của ông Năm Đẩu “múa gậy vườn hoang”. Nghĩa Hiệp Ban rã gánh vì ông bầu Năm Đẩu không coi trọng đào kép, trả lương thấp nên nghệ sĩ bị ông Phủ Trọng của rạp Quảng Lạc chèo kéo bằng đồng lương hậu hĩnh. Với lực lượng nghệ sĩ trụ cột của gánh Nghĩa Hiệp Ban, ông Phủ Trọng đã thành lập gánh cải lương Quảng Lạc, vì thấy cải lương là nghệ thuật mới, phù hợp thời đại và hấp dẫn khán giả Hà thành.
NSND Ba Vân, lúc ấy là một kép hát của Nghĩa Hiệp Ban trở thành nghệ sĩ của gánh Quảng Lạc cho biết: “Bọn làm nghề chúng tôi, hồi đó thật khổ. Tôi lương tháng 26 đồng, mà ăn tiêu hoang phí, chỉ mười ngày đã nhẵn túi. Chủ thường lợi dụng những chỗ đó để lung lạc mọi người. Vì thế, ngày trước, việc thay đổi đoàn hát thường vì kinh tế. Hễ tiền nắm trong tay, là có thể thay đổi tên gánh như chơi, mặc dù những anh chị đào kép cũ đó. Hôm ra Hà Nội, bọn tôi đã giận chủ gánh: họ chỉ lo cho đồ nghề của họ, còn đào kép họ mặc kệ. Tới xứ lạ, đường sá không rành, chúng tôi phải vịn theo xe chở đồ mới kiếm ra chỗ ở. Cho nên hát ở đây mới nửa tháng Phủ Trọng cho mời kéo. Thấy số lương hậu hĩ mà giao kèo không có gì quá ràng buộc, gần như toàn thể anh chị em đều ở lại. Từ đây ra đời gánh cải lương đầu tiên ở Hà Nội”. Và bắt chước gánh Quảng Lạc, Sán Nhiên Đài cũng thành lập gánh cải lương với một số nghệ sĩ cũng từ Nghĩa Hiệp Ban cộng thêm một số nghệ sĩ khác được kêu thêm từ Sài Gòn.
Như vậy, rất tức cười là hình như ông Năm Đẩu lập gánh Nghĩa Hiệp Ban với nhiệm vụ cung cấp nghệ sĩ cho Quảng Lạc và Sán Nhiên Đài thành lập hai gánh cải lương “chính quy” sau mười mấy xuất diễn chào hàng đào kép. Chỉ tội cho ông Năm Đẩu rã gánh mà chẳng kiếm được tiền “cò” từ việc chuyển giao nghệ sĩ này. Sân khấu cải lương với những nghệ sĩ Nam kỳ đã chinh phục khán giả đất Bắc kỳ, lấn sân hát bội và hát chèo. NSND Ba Vân cho biết: “Hơn một năm hát tại Quảng Lạc, chúng tôi được khán giả thương, cứ ra đường là chạy theo đòi coi mặt”.
Và từ hai gánh Quảng Lạc, Sán Nhiên Đài với những tài danh sân khấu cải lương Nam kỳ đã gây dựng hạt giống nghệ thuật mới trên đất Bắc rồi để sau này sân khấu cải lương Hà thành có những Ái Liên, Kim Chung, Sỹ Tiến… Không thể chối cãi rằng lực lượng nghệ sĩ người Hà nội cũng đã góp phần làm hưng thịnh sân khấu cải lương trong trăm năm qua!