NSND BẠCH TUYẾT:
Bảo tồn là một quá trình
Khi đến nhiều thủ đô, thành phố lớn trên thế giới, tôi không khỏi choáng ngợp trước sự đầu tư nhà hát của đất nước họ. Chúng ta đừng đợi đến kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương thì mới dồn dập tổ chức những hoạt động kỷ niệm.
"Sự bảo tồn phải là một quá trình bền bỉ chứ không phải “đến hẹn lại lên” và làm một cách qua loa, đại khái" - NSND Bạch Tuyết |
Cần có sự định hướng rõ ràng, bài bản
Cải lương đang rơi vào giai đoạn suy thoái, ít có vở mới. Hiện nay, sân khấu cải lương chỉ rầm rộ khi nhân dịp kỷ niệm nào đó chứ chưa có sự định hướng rõ ràng. Nhiều người nói yêu cải lương nhưng tham gia cải lương, làm cải lương trở nên hấp dẫn, gần gũi thì lại chưa thấy.
Vì chưa tìm được lối thoát nên sân khấu cải lương vẫn ảm đạm, phải chờ đợi những yếu tố mới để cải lương được “sống” đúng nghĩa. Về mặt nghệ thuật, cải lương không mai một, vẫn tồn tại trong đời sống văn hóa, trong đờn ca tài tử nhưng về sân khấu biểu diễn cải lương lại là điều đáng buồn.
Tôi nhận thấy nhiều nghệ sĩ trẻ yêu nghề. Họ cần có sự định hướng rõ ràng từ những người đi trước bởi họ chưa đủ lực. Điều đáng trân trọng là họ có sự nhiệt tình, tâm huyết nên sân khấu cải lương vẫn tồn tại, dẫu suy thoái nhưng không chết hẳn.
Để có đường đi dài cho sân khấu cải lương, cần đưa cải lương thành môn học trong nhà trường, có sự tương tác qua lại giữa thầy - trò. Đó phải là một chương trình lâu dài chứ không phải chỉ dừng lại ở việc tổ chức, đưa các đoàn biểu diễn đến trường cho các em xem.
Lớp học giới thiệu cải lương, đờn ca tài tử cho thiếu nhi
"Cần đưa cải lương thành môn học trong nhà trường, có sự tương tác qua lại giữa thầy - trò. Đó phải là một chương trình lâu dài" - NSƯT Trần Minh Ngọc |
Không phải trách nhiệm của riêng ban, ngành nào
Bảo tồn văn hóa truyền thống không phải là trách nhiệm của riêng ban, ngành nào. Nhà nước đã có nhiều chính sách để công tác bảo tồn đạt hiệu quả. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống sẽ có thuận lợi và thách thức riêng.
Sở VH-TT TPHCM đang phối hợp nhiều đơn vị tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương. Trong đó sẽ có những hoạt động hướng đến nguồn gốc ra đời của sân khấu cải lương là đờn ca tài tử, hình thành ca ra bộ và những nghệ thuật sơ khai nhất của cải lương.
"Sẽ có những hoạt động hướng đến nguồn gốc ra đời của sân khấu cải lương là đờn ca tài tử, hình thành ca ra bộ và những nghệ thuật sơ khai nhất của cải lương" - NSƯT Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao TPHCM |
NSƯT HUỲNH KHẢI, Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TPHCM:
Ứng dụng công nghệ số
Cách vực dậy sân khấu cải lương hiện nay là tạo sân chơi cho cải lương, đờn ca tài tử trên mạng, làm những clip nhỏ, thu hút, phổ biến người xem. Trong thời đại công nghệ số, đó là con đường dễ “thấm”, dễ đi vào lòng khán giả, đặc biệt là người trẻ.
"Tạo sân chơi cho cải lương, đờn ca tài tử trên mạng là con đường dễ "thấm" trong thời đại công nghệ số phát triển như hiện nay" - NSƯT Huỳnh Khải |
Các trường đào tạo nghệ thuật nên có chính sách đãi ngộ hợp lý với những nghệ sĩ thiếu bằng cấp và hợp tác với các đơn vị tư nhân để đào tạo nguồn lực theo yêu cầu.
NSƯT KIM TỬ LONG:
Giảm giá vé để hút khán giả
Muốn sân khấu sáng đèn, người dân đến sân khấu nhiều hơn thì giá vé phải thật rẻ. Tuy nhiên, trong tình trạng thiếu sân khấu như hiện nay, giá vé rẻ là điều rất khó cho các đơn vị tổ chức biểu diễn. Chúng ta đã nói quá nhiều về bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa nhưng nhiều năm qua, con đường này vẫn còn quá trắc trở.
"Những chương trình cải lương nên vì một mục tiêu là tôn vinh bộ môn nghệ thuật này chứ đừng vì lợi nhuận" - NSƯT Kim Tử Long |
Hơn lúc nào hết, những chương trình cải lương nên vì một mục tiêu là tôn vinh bộ môn nghệ thuật này chứ đừng vì lợi nhuận mà để những giá trị vốn có của cải lương dần rơi rụng, “mất điểm” trong lòng khán giả.
Đạo diễn, Th.S HOÀNG DUẨN, giảng viên Khoa Quản lý Văn hóa - Nghệ thuật, ĐH Văn hóa TPHCM:
Cần một rạp hát đúng nghĩa
Để cải lương tồn tại và phát triển thì cần nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố giải quyết trong ngắn hạn và có những yếu tố trong dài hạn. Chúng ta cần một rạp hát hiện đại đúng nghĩa.
"Cần sự kết hợp nhanh gọn, ăn ý giữa những nhà làm công tác quản lý văn hóa nghệ thuật và quản lý giáo dục trong các chương trình giáo dục nghệ thuật" - Đạo diễn Hoàng Duẩn |
Hơn nữa, chúng ta cần sự kết hợp nhanh gọn, ăn ý giữa những nhà làm công tác quản lý văn hóa nghệ thuật và quản lý giáo dục để phối hợp trong các chương trình giáo dục nghệ thuật cho HS-SV bằng các suất diễn trong nhà hát.
Quan trọng hơn nữa, môn giáo dục nghệ thuật, trong đó có cải lương cần đưa vào trong học đường càng sớm càng tốt để giáo dục và phát triển khán giả cải lương trong tương lai.
Thầy HUỲNH THANH PHÚ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du:
Nỗ lực giới thiệu cải lương vào học đường
Nhiều năm qua, Trường THPT Nguyễn Du đã có nhiều nỗ lực để giới thiệu bộ môn nghệ thuật cải lương đến với HS. Thực tế, muốn đưa cải lương vào học đường như một môn học không hề dễ.
Không hẳn là bài toán kinh phí mà điều trăn trở là thế hệ nghệ sĩ gạo cội đã không còn nhiều người có khả năng giảng dạy vì tuổi tác, sức khỏe. Nghệ sĩ trẻ thì mãi chạy show. Thế nên, nếu muốn đưa cải lương vào học đường lúc này, chúng ta cần chương trình đào tạo bài bản, chuyên sâu.
Nếu làm một bài toán nhỏ, trong 1.000 HS của trường chỉ cần có 2 em đam mê cải lương, nhân rộng ra nhiều trường trên địa bàn TP, con số ấy không hề nhỏ. Đó đã là thành công.
"Muốn đi đường dài hãy bắt đầu từ những bài học nhỏ dưới mái trường" - Thầy Huỳnh Thanh Phú |