Chỉ vài hộ làm nghề từ lúc khởi đầu, trải qua gần 100 năm, làng nghề bánh tráng An Ngãi (xã An Ngãi, huyện Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu) đã phát triển với hơn 140 hộ làm nghề. Người dân cũng đầu tư bếp điện thay thế lò củi truyền thống để nâng cao năng suất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nghề làm bánh tráng ở An Ngãi đến nay đã gần 100 năm. Khi xưa, khu vực chỉ có vài hộ làm nghề, trải qua nhiều thế hệ cha truyền con nối, đến nay đã có hàng trăm hộ làm nghề với quy mô lớn. Ảnh: VŨ PHONG
Trước đây, người dân dùng bếp củi, bếp trấu nên cứ 3 giờ sáng phải dậy nhóm lửa để kịp tráng bánh. Ảnh: VŨ PHONG
Sử dụng bếp củi, bếp trấu không chỉ tốn thời gian, vất vả mà còn nhiều khói và bụi bẩn khiến sản phẩm không đảm bảo vệ sinh. Ảnh: VŨ PHONG
Hai năm nay, các hộ dân đã đặt mua bếp điện, các linh kiện đi kèm với giá tầm 8 triệu đồng để phục vụ sản xuất bánh tráng. Ảnh: VŨ PHONG
Hiện nay, 30% hộ dân tại làng nghề chuyển qua dùng bếp điện, nhờ đó năng suất cao hơn, đỡ cực trong việc nhóm lửa và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: VŨ PHONG
Để làm được bánh tráng dẻo, mềm, khi ăn cảm nhận vị ngọt, bùi và đậm đà thì quan trọng nhất là chọn gạo. Gạo làm bánh phải là gạo tẻ. Sau khi ngâm kỹ, gạo được xay thành bột và pha đảm bảo độ sánh, kết dính vừa phải. Nếu bột quá lỏng thì bánh bị vỡ, nếu quá đặc thì bánh sẽ cứng. Ảnh: VŨ PHONG
Khi tráng bánh, người thợ phải nhanh tay cầm cán, xoa đều cái gáo dừa láng bóng, khiến bột thành lớp mỏng và tròn theo miệng chiếc nồi to, rồi đậy nắp lại. Chỉ vài giây, ướm chừng bánh chín thì lấy thanh tre mỏng gỡ một góc bánh, áp vào ống tre, tách bánh khỏi mặt vải rồi thả ra liếp. Ảnh: VŨ PHONG
Việc tráng bánh đòi hỏi người làm phải có đôi tay khéo léo và nhịp nhàng. Ảnh: VŨ PHONG
Phơi bánh cũng cần nhiều kinh nghiệm để biết đủ nắng, tránh phơi nắng quá lâu khiến bánh giòn, gãy. Lúc trời nắng gắt, liếp bánh chỉ cần phơi nửa giờ là được, còn khi trời âm u thì thời gian phơi phải từ 2-4 tiếng là đủ nắng. Ảnh: VŨ PHONG
Bà Trần Thị Tư (55 tuổi, xã An Ngãi) có hơn 30 năm làm bánh tráng. Mỗi ngày, bà tráng khoảng 2.000 cái bánh, thu nhập từ 250.000-300.000 đồng. “Làm nghề này không khá giả nhưng giúp gia đình có tiền chi tiêu hàng ngày, cho con cái học hành và cuộc sống ổn định”, bà Tư nói. Ảnh: VŨ PHONG
Bà Trang Thị Xuyên (74 tuổi) là một trong những người làm nghề lâu năm nhất vùng. Lớn tuổi, sức khoẻ yếu, bà không còn làm thường xuyên được nữa nên truyền nghề cho con gái. Hàng ngày, bà phụ giúp bê liếp bánh ra phơi, gỡ và đóng gói. “Nghề này cực lắm. Chỉ những người lớn tuổi, người nhàn rỗi ở nhà mới làm. Những người trẻ bây giờ đi làm công nhân, làm nghề khác hết rồi”, bà Xuyên trăn trở. Ảnh: VŨ PHONG
Bánh tráng An Ngãi hiện có các loại: bánh tráng nem (loại lớn, nhỏ), bánh tráng ớt, bánh đa nướng, bánh tráng chuối… Bánh tráng dày có giá 50.000 đồng/100 cái, loại mỏng 25.000 đồng/100 cái. Ảnh: VŨ PHONG
Bánh tráng khô được gỡ khỏi liếp, xếp thành từng lớp rồi cho vào từng bịch bóng để bỏ mối. Bánh tráng An Ngãi có mặt khắp các chợ quê lẫn chợ thành phố, không chỉ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mà còn hiện diện tại các tỉnh, thành như Bình Thuận, Đồng Nai, TPHCM... Ảnh: VŨ PHONG
Theo UBND xã An Ngãi, địa phương hiện có hơn 140 hộ làm nghề bánh tráng, chủ yếu tập trung tại các ấp: An Hòa, An Phước và An Bình. Nghề làm bánh tráng truyền thống ở An Ngãi không chỉ giúp giải quyết lao động nhàn rỗi ở địa phương mà còn cho các hộ làm nghề thu nhập ổn định từ 6-8 triệu đồng/tháng. Bánh tráng An Ngãi cũng được công nhận là làng nghề truyền thống từ tháng 5-2013. Năm 2014, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phê duyệt Dự án phát triển nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi, giai đoạn 2014 – 2020. Ảnh: VŨ PHONG