Theo đó, khu vực lập quy hoạch có quy mô khoảng 3.060ha. Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch thuộc địa bàn các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, huyện Mang Thít, có vị trí giáp giới như sau: phía Bắc giáp sông Cổ Chiên, giáp ranh tỉnh Bến Tre; phía Nam giáp xã Bình Phước – huyện Mang Thít; phía Đông giáp thị trấn Cái Nhum – huyện Mang Thít; phía Tây giáp một phần xã Mỹ An và xã Hòa Tịnh – huyện Mang Thít.
Khu lò gạch, gốm Mang Thít còn gọi là Làng nghề làm gạch nung ở huyện Mang Thít hình thành cách đây hơn 100 năm, được biết đến là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất vùng ĐBSCL.
Thời hoàng kim, làng gạch trải dài 30km trên địa bàn TP Vĩnh Long, huyện Long Hồ và Mang Thít với hơn 3.000 lò hoạt động. Hiện nay chỉ còn khoảng 800 lò gạch, trên diện tích 3.000ha, trong đó tập trung nhiều nhất ở ven kênh Thầy Cai đến đoạn giáp sông Cổ Chiên - một nhánh sông Cửu Long.
Những năm 1980, làng sản xuất gạch gốm nung này đã giúp hàng ngàn người thoát nghèo và vươn lên. Các sản phẩm gạch, gốm cung cấp khắp cả nước, còn xuất khẩu.
Ông Lê Văn Lớn, (huyện Mang Thít) với hơn 40 năm làm nghề gạch và gốm đỏ tại tỉnh Vĩnh Long cho biết, gia đình ông có 2 lò gạch, được xây dựng từ hàng ngàn viên gạch thẻ đều tăm tắp, xếp theo kiến trúc tháp tròn nhỏ dần ở đỉnh với 30.000 viên gạch thẻ.
Ông Lớn chia sẻ, trung bình 1 mẻ gạch sản xuất trong thời gian 40 ngày sẽ cho ra 25.000 viên, nguyên liệu nung là tro trấu. Trước đây sản xuất không kịp bán, nhưng từ khi xuất hiện gạch không nung và lò gạch liên hoàn nên gạch thủ công truyền thống bán chậm lại và lợi nhuận cũng không cao, chủ yếu bán những mối cũ nhưng lợi nhuận rất thấp do chi phí sản xuất cao. Trong làng, mỗi gia đình có 2-5 lò, công suất mỗi lò khoảng 15.000 viên.
Quy trình tạo ra viên gạch tốn khá nhiều công sức, trước tiên phải chọn đất và nhào trộn với cát, sau đó cho vào khuôn đúc để định hình thành gạch, ngói, chậu cây và các sản phẩm trang trí khác. Trước đây, quá trình nhào đất và đúc khuôn được làm bằng tay, nhưng ngày nay người dân đã đầu tư máy móc nên giảm nhiều thời gian và nhân công, tiết kiệm chi phí sản xuất.
Ông Ba Đỉnh, một chủ lò gạch nổi tiếng trong làng đầu tư lò liên hoàn với 59 miệng (cửa), mỗi miệng chứa 7.000 đến 8.000 viên gạch. Kiểu lò này nung khoảng 8 tiếng sẽ cho ra gạch thành phẩm.
Đây là lò gạch hoạt động trên nguyên lý nhiệt và khói được dẫn từ buồng trước qua khe gạch của vách ngăn đến buồng kế tiếp. Khi buồng thứ nhất đang nung thì buồng thứ hai đang trong quá trình gia nhiệt và sấy cho các buồng kế tiếp, do đó nhiệt thừa đã được tận dụng tối ưu, tiết giảm chi phí sản xuất.
Khi công nghệ hiện đại ra đời, một số lò ngưng hoạt động do không đủ khả năng đầu tư dây chuyền sản xuất mới. Từ đó, những lò gạch cũ theo thời gian phủ kín rêu phong, cỏ dại tạo nên một khung cảnh đẹp lãng mạn, thu hút nhiều người đến chụp ảnh.
Hình ảnh những lò gạch nằm san sát nhau, nhìn từ trên cao, người dân ví nơi đây giống như một “vương quốc” với hàng trăm “tòa lâu đài” nhỏ ven kênh Thầy Cai. Hàng trăm chuyến đò qua lại mỗi ngày tạo nên một bức tranh đa sắc màu tại vùng quê mộc mạc, yên bình. Chính vì điểm độc đáo này đã góp phần giúp tỉnh Vĩnh Long phát triển du lịch dựa trên những giá trị di sản cũ “lò gạch trăm năm”…
Theo ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Vĩnh Long, ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long sẽ ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm nhằm hỗ trợ một phần kinh phí để người dân giữ lại các lò gạch truyền thống, giữ hiện trạng cho vùng di sản trong tương lai.
Theo quy hoạch, Khu lò gạch, gốm Mang Thít sẽ là khu du lịch trọng điểm của tỉnh, định hướng là khu du lịch quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là du lịch cho Vĩnh Long nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.