Sóc Trăng là một trong những địa phương đi đầu sản xuất lúa thơm ở vựa lúa miền Tây. Giờ thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng được khách hàng cả trong và ngoài nước biết đến. Đó là một hành trình rất dài của những con người tâm huyết ở vùng đất giao nhau giữa hai dòng mặn - ngọt!
Hành trình gạo thơm ST
Cách đây 12 năm (2006), Báo SGGP tổ chức hội thảo Xây dựng thương hiệu cho nông sản ĐBSCL tại Bến Tre, kỹ sư Hồ Quang Cua (Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng) đã tạo được ấn tượng khá mạnh khi trình bày một tham luận về lúa thơm Sóc Trăng. Khi ấy kỹ sư Hồ Quang Cua chỉ đưa ra “khát vọng đầu tiên” là xây dựng Chỉ dẫn địa lý “Gạo thơm Sóc Trăng”. Đó thật sự là nền tảng vững chắc để Sóc Trăng khẳng định được thương hiệu gạo của vùng đất Sóc Trăng với các dòng lúa thơm ST hiện nay.
Kỹ sư Hồ Quang Cua nhớ lại: “Từ năm 1993 UBND tỉnh Sóc Trăng, trong lúc ngân sách còn thiếu trước hụt sau, đã xuất ngân sách mua trữ trên 600 tấn lúa giống KDM (một giống lúa thơm) để đầu tư cho sản xuất”.
Câu chuyện về những giống lúa thơm đầu tiên “đặt chân” vào vùng đất Sóc Trăng đến nay đã tròn 25 năm. Chặng đường hình thành lúa thơm của Sóc Trăng mang đậm dấu ấn giữa kỹ sư Hồ Quang Cua và GS-TS Võ Tòng Xuân (người mang giống lúa KDM về Việt Nam), nó khắc họa được phần nào tình cảm gắn bó, tạo nên một phần chân dung của hai con người được nhìn nhận là anh hùng lao động và được xem như là “cha đẻ” của các giống lúa thơm ST hiện nay.
Từ dự án Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo thơm Sóc Trăng” cho sản phẩm gạo thơm của tỉnh Sóc Trăng, nhãn hiệu “Gạo thơm Sóc Trăng” đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận vào năm 2011. Được bảo hộ về mặt pháp lý, cùng với các hoạt động quảng bá hiện nay, “Gạo thơm Sóc Trăng” đã được biết đến trong cả nước cũng như thị trường ngoài nước. Với việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo thơm Sóc Trăng”, Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đã đưa “Gạo thơm Sóc Trăng” đến gần hơn với người tiêu dùng thông qua việc “Gạo thơm Sóc Trăng” vinh dự được lọt vào tốp 100 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng...
Trong vụ lúa đông xuân vừa qua, nông dân Sóc Trăng trúng mùa, trúng giá với các giống lúa thơm ST: Năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha, thương lái thu mua với giá 7.000 đồng/kg (cao hơn lúa thường 1.000 - 1.500 đồng/kg). Do chi phí đầu vào thấp, ít sâu bệnh, không bón nhiều phân nên người trồng có thể đạt lợi nhuận trên 60%. Nổi bật trong các dòng lúa thơm dòng ST hiện nay là giống ST24 chống chịu tốt với ngoại cảnh, thời gian sinh trưởng ngắn từ 95-97 ngày. Do chịu phèn, mặn tốt nên giống lúa thơm ST24 được trồng nhiều dưới ao nuôi tôm của các tỉnh như: Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang… Khoảng 7.000ha được nông dân Sóc Trăng sản xuất vụ đông xuân vừa qua. Nhờ chất lượng nên tại hội nghị quốc tế lần 9 về thương mại gạo tổ chức tại Trung Quốc vừa qua, gạo ST24 của Việt Nam đạt tốp 3 “Gạo ngon nhất thế giới năm 2017”.
Cần nói thêm, trong 3 năm qua, nhiều loại gạo ST được nông dân sản xuất tại Sóc Trăng đạt giá trị xuất khẩu và bán buôn trên thị trường nội địa với mức cao kỷ lục trên 600USD/tấn (cao hơn gạo thường khoảng 200USD/tấn). Bộ NN-PTNT cũng nhanh chóng lấy giá trị hạt gạo xuất khẩu từ các giống lúa của Sóc Trăng để làm mục tiêu “nâng cấp giá trị hạt gạo Việt”.
“Đưa nông dân nhỏ ra biển lớn”
Sản xuất lúa có phẩm cấp gạo chất lượng cao, thơm đang được cả nông dân và doanh nghiệp khu vực ĐBSCL tập trung liên kết đầu tư. Năm 2017, số lượng gạo cao cấp và gạo thơm các loại xuất khẩu chiếm trên 60% (khoảng 3 triệu tấn). Phân khúc gạo trung bình và phẩm cấp thấp chỉ còn chiếm khoảng 12% (khoảng 700.000 tấn). Đáng chú ý, xuất khẩu gạo thơm đã có sự tăng trưởng đột phá, từ chỗ chỉ chiếm 6,63% (năm 2011) đã vọt lên 23,53% (năm 2017). Chắc chắn tỷ lệ này sẽ tiếp tục được nâng lên khi doanh nghiệp và nông dân hình thành các vùng nguyên liệu gắn với đầu ra ở các phân khúc thị trường gạo chất lượng cao, gạo thơm.
Các chuyên gia ngành lúa gạo nhận định: Lâu nay, ĐBSCL đã có gạo “Một bụi đỏ Hồng Dân” (Bạc Liêu), “Nàng nhen Bảy Núi” (An Giang), “Gạo Nàng Thơm Chợ Đào” (Long An) với giá bán có loại cao hơn gấp rưỡi gạo thường, nhưng lại chưa có các thương hiệu chỉ dẫn địa lý như “Gạo Việt Nam”, “Gạo ĐBSCL”, “Gạo thơm Sóc Trăng”... để thế giới biết đến. Bởi vậy, các loại gạo đặc sản nêu trên thực ra “nổi tiếng” chủ yếu trong nước, do chưa có chỉ dẫn địa lý, một trong những yếu tố quan trọng của thương hiệu, để gạo Việt có thể đứng vững ở thị trường nước ngoài. Ngay cả phương thức phân phối trên thị trường nội địa cũng có vấn đề. Kênh phân phối truyền thống trong nước là gạo được phơi bán lộ thiên không đóng gói, không có nhãn mác, gạo bị trộn lẫn tùy tiện. Nếu không chấn chỉnh tình trạng này, gạo Việt có thể khó đứng vững ngay trên sân nhà! Nói thế để thấy rằng, việc Sóc Trăng đã hoàn thiện các quy trình sản xuất gắn với chỉ dẫn địa lý, đăng ký sở hữu bản quyền… là việc làm rất đáng ghi nhận.
“Gần trăm năm trước, gạo ngon Sóc Trăng đã xuất hiện trên thị trường châu Âu. Cách đây hơn 1/4 thế kỷ, gạo Việt Nam đã xuất hiện lại trên thị trường thế giới. Với hoạt động chọn tạo giống ngày một nâng cao, gạo Sóc Trăng ít nhiều cũng đã vươn ra thế giới. Nếu biết kết hợp nhuần nhuyễn công tác tổ chức trong cánh đồng lớn, chúng ta sẽ đưa những nông dân nhỏ ra biển lớn, tức sản phẩm của họ hội nhập với thị trường lúa gạo toàn cầu”, kỹ sư Hồ Quang Cua - “cha đẻ” của các giống lúa thơm ST chia sẻ!