Những ngày đầu năm 2024, ông vừa cho ra mắt tự truyện Đi qua trăm năm (NXB Tổng hợp TPHCM), gói gọn cuộc đời trăm năm đầy thăng trầm cùng rất nhiều điều quý giá mà ông mong muốn để lại cho hậu thế.
1. Theo chia sẻ của bà Đinh Thị Thanh Thủy, Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM, nguyên Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Tổng hợp TPHCM, Đi qua trăm năm được viết theo “đặt hàng” của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trong lần đến thăm tác giả tại ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm có nhiều ngôi mộ cổ của quận Bình Thạnh vào ngày 16-7-2022. Từ lời khích lệ của người đứng đầu thành phố: “Con đặt hàng cụ viết trước tự truyện Một kiếp người của cụ đi, mấy công trình nghiên cứu chậm lại một chút cũng được”, đã tạo động lực để nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư dành suốt 6 tháng để viết lại câu chuyện đời mình.
Nhờ mối lương duyên ấy mà giờ đây bạn đọc may mắn được cầm trên tay ấn phẩm Đi qua trăm năm - món quà quý từ “ông Bụt” của NXB Tổng hợp TPHCM (cách gọi trìu mến của bà Đinh Thị Thanh Thủy dành cho tác giả). Trong sách, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tâm sự: “Nhìn lại quãng đời đã qua với nhiều kỷ niệm vui buồn, những thăng trầm trong cuộc sống, chứng kiến nhiều biến chuyển của thời cuộc, của vận mệnh quốc gia, của đời sống xã hội, tôi thấy đáng ghi lại để cho con cháu biết về quê hương, về các bậc tiền bối, để rút ra những kinh nghiệm về cuộc sống, biết cái gì nên tránh, cái gì nên làm, cái gì nhất thời, cái gì là vĩnh cửu”.
Như rất nhiều người ở tuổi xế chiều, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cũng mang tâm lý “vọng cố hương”. Một điều khiến người đọc không khỏi ngạc nhiên là ở vào tuổi 103 (lúc viết tự truyện Đi qua trăm năm), ký ức về quê nhà Thanh Chi (huyện Thanh Chương, Nghệ An) vẫn còn in sâu trong tâm trí ông đến vậy. Ông dành 4 phần đầu của tự truyện để viết về quê nhà. Thật cảm động và ngạc nhiên khi hình ảnh quê cũ, từ địa lý, văn hóa, nghi lễ đến nếp ăn nếp mặc, những dụng cụ sinh hoạt thường ngày… cách đây đã gần trăm năm, đều được ông tái hiện một cách rõ nét. Và hẳn nhiên, phải yêu và tự hào về quê lắm thì ông mới đau đáu và tha thiết với quê cũ như vậy. Nhất là khi quê ông, nơi khởi đầu phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 vẫn còn lưu dấu trong những trang sử vàng.
2. Tự truyện Đi qua trăm năm không chỉ là cuộc đời của một con người “nhờ tổ ấm phúc nhà, nhờ mười phương chư Phật gia hộ” mà may mắn sống đến độ tuổi xưa nay hiếm, mà còn mang đến cho bạn đọc phần nào đó hình dung về dòng chảy lịch sử nước nhà. Bởi ông đã sống qua 2 thế kỷ XX và XXI, chứng kiến nhiều biến động của thời cuộc. Qua những con chữ mộc mạc, độc giả càng hiểu và trân quý hơn về cuộc đời của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Đó là cuộc đời lấm láp bởi những khó khăn, thiếu thốn nhưng lại rạng ngời tinh thần của ý chí và nghị lực. Chịu cảnh mồ côi mẹ từ lúc lên 10, không ít lần phải dang dở chuyện học hành, nhưng vốn là người có tư chất thông minh, nên ông giống như chú cá bơi ngược dòng, thay đổi hoàn toàn số phận của mình.
Từ nhỏ, ông đã xác định không học hành thì mãn kiếp cũng chỉ là anh nông dân chân lấm tay bùn nơi thôn dã, và ông quyết tâm “không thể yên phận với cuộc sống nông dân cực khổ này nữa”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư bộc bạch: “Thông thường, vào cuối đời, người ta ghi chép lại việc cũ để kể về thành tích, công trạng đã đạt được, đề xuất những triết lý mới về nhân sinh, về xã hội. Tôi thì tôi không có tài cán gì, không có tư tưởng gì cao siêu, chỉ có một cuộc sống bình thường như mọi người, với những thất bại, những sai lầm trong cuộc sống dẫn tới có lúc đen tối nhất, tưởng không có lối thoát”. Là ông khiêm tốn mà nói vậy, còn thực ra, cuộc đời ông xứng đáng là tấm gương sáng cho thế hệ sau.
Cuộc đời trăm năm gói gọn trong gần 400 trang sách, đâu phải là điều mà ai cũng làm được. Và thật mừng khi khép lại cuốn tự truyện, thấy ông chia sẻ về dự định trong những ngày cuối đời sẽ viết tiếp 10 đầu sách nữa - nếu sức khỏe cho phép. Chắc hẳn bạn đọc đều yêu mến mà cầu chúc ông có nhiều sức khỏe, để tiếp tục được nhận những món quà quý từ “ông Bụt” Nguyễn Đình Tư.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920 tại huyện Thanh Chương, Nghệ An. Trong 60 tác phẩm của một đời nghiên cứu, ông đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý như: Giải bạc Sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam năm 2009 cho Từ điển địa danh hành chính Nam bộ; giải A Sách hay Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ nhất năm 2018 cho Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam kỳ (1859-1954), 2 tập; Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 11 năm 2023 cho Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020), 2 tập. Vào năm 2017, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã trao tặng ông kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Sử học Việt Nam”.