Trong những tuần gần đây, Thiên Cung 1 đã vào vùng khí quyển dày hơn, tăng tốc lao xuống trái đất và dự kiến rơi xuống mặt đất trong vài tháng tới.
Được phóng lên năm 2011 trong nỗ lực khoa học đầy tham vọng để biến Trung Quốc thành một siêu cường không gian, Thiên Cung 1 đã được sử dụng cho cả sứ mệnh có người và không người. Nữ phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc Liu Yang đã lên Thiên Cung 1 vào năm 2012.
Tuy nhiên, năm 2016, Trung Quốc xác nhận Thiên Cung 1 đã bị mất kiểm soát và sẽ rơi trong năm 2017 hoặc 2018. Cơ quan Không gian Trung Quốc đã thông báo với Liên hiệp quốc rằng Thiên Cung 1 có thể rơi xuống trái đất từ tháng 10-2017 đến 4-2018.
Nhà vật lý thiên văn nổi tiếng của Đại học Harvard Jonathan McDowell nói với The Guardian: "Hiện Thiên Cung 1 còn cách trái đất dưới 300 km và trong bầu khí quyển dày hơn, tốc độ phân rã đang gia tăng và dự kiến rơi trong vài tháng nữa, vào cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018".
McDowell cho biết, dù phần lớn Thiên Cung 1 sẽ bốc cháy trong bầu khí quyển, nhưng một số bộ phận có thể nặng tới 100kg khi rơi xuống mặt đất.
Hồi tháng 5, Trung Quốc đã báo với Ủy ban về Sử dụng Không gian vì mục đích hòa bình của Liên hợp quốc (COPUOS) rằng sẽ theo dõi chặt chẽ quá trình rơi của Thiên Cung 1 và thông báo cho Liên hiệp quốc khi trạm bắt đầu chặng rơi cuối cùng.
Thực sự không thể dự đoán Thiên Cung 1 sẽ rơi xuống đâu, cả trong những ngày cuối cùng, thậm chí trong những giờ cuối cùng, McDowell cho biết.
Theo McDowell, một sự biến đổi nhẹ trong điều kiện khí quyển có thể thay đổi điểm rơi "từ lục địa này sang lục địa khác".
Đã có nhiều lần tàu vũ trụ lớn mất kiểm soát rơi và chưa có báo cáo gây thương tích cho người dân.
Năm 1991, trạm không gian Salyut 7 nặng 20 tấn của Liên Xô cũ đã rơi khi tàu vũ trụ nặng 20 tấn Cosmos 1686 vẫn đang neo, rải các mảnh vỡ trên thị trấn Capitán Bermúdez ở Argentina.
Năm 1979, trạm không gian Skylab nặng 77 tấn của Mỹ đã rơi, một số mảnh vỡ lớn rơi gần Perth ở Tây Australia.