Cơ quan Kỹ thuật Không gian Có người lái Trung Quốc (CMSEO) cho biết, Thiên Cung 1 đã vào khí quyển lúc 0 giờ 15 (giờ GMT) ngày 2-4 ở trung tâm Nam Thái Bình Dương.
Trung tâm Kiểm soát Không gian Bắc Kinh (BACC) và các tổ chức liên quan theo dõi và phân tích quá trình rơi của Thiên Cung 1 cho biết, trạm không gian ngưng hoạt động này đã bốc cháy phần lớn khi vào khí quyển.
Trạm không gian Thiên Cung 1 dài 10,4 m, nặng 8,5 tấn được phóng lên ngày 29-9-2011 và kết thúc hoạt động vào tháng 3-2016.
Thiên Cung 1 đã tiếp đón 2 phi hành gia và kết nối thành công với 3 tàu vũ trụ của Trung Quốc là Thần Châu 8, Thần Châu 9 và Thần Châu 10 và thực hiện các sứ mệnh đóng góp quan trọng cho chương trình tàu vũ trụ có người lái của Trung Quốc, Tân Hoa Xã cho biết.
Trạm vũ trụ này được xem là cơ sở cho việc thử nghiệm phát triển trạm không gian lớn hơn và có người sống và làm việc vào năm 2020. Tuy nhiên, Thiên Cung 1 gặp trục trặc và ngừng hoạt động từ tháng 3-2016.
Trung Quốc không thực hiện được kế hoạch đưa trạm vũ trụ trở về Trái Đất trong trạng thái có kiểm soát, vì sau khi ngừng hoạt động Thiên Cung 1 bắt đầu rơi tự do vì lực hút Trái Đất.
Ngày 26-3, CMSEO thông báo Thiên Cung 1 đã mất kiểm soát từ ngày 16-3 và dự báo trạm không gian này sẽ rơi xuống trái đất trong khoảng thời gian từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, sẽ không gây thiệt hại nào cho người và tài sản trên mặt đất. Hành trình trở lại khí quyển của trạm không gian này tạo ra một cảnh tượng ngoạn mục trên bầu trời đêm, giống như hiện tượng mưa sao băng.
Trạm không gian Skylab nặng 85 tấn của Mỹ là tàu vũ trụ lớn nhất từng rơi không kiểm soát xuống trái đất, một số mảnh vỡ lớn đã rơi xuống thị trấn Esperance ở Australia năm 1979.