Ngày 6-12, hồ sơ dự án Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo đã được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định. Dự thảo Nghị định dự kiến được trình Chính phủ ban hành trong tháng 12-2019.
Dự thảo Nghị định gồm 4 chương với 25 điều, trong đó có những nội dung đáng lưu ý là chế tài đối với những hành vi vi phạm quy định về nghiên cứu khoa học của cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam và vi phạm quy định về nhận chìm ở biển.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các quy định hiện hành vẫn còn “bỏ ngỏ” trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nước ngoài khi tiến hành nghiên cứu khoa học trên vùng biển Việt Nam; nhận chìm ở biển, hành lang bảo vệ bờ biển Việt Nam cũng như chế tài để xử lý các vi phạm hành chính của các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về giao khu vực biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển…
Do đó, để đảm bảo việc thực hiện các quy định trên được nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe của pháp luật, dự thảo Nghị định đã mở rộng phạm vi điều chỉnh quy định đối với các đối tượng này.
Cụ thể, về chế tài, hình thức xử phạt chính là phạt tiền; hình thức xử phạt bổ sung gồm tước quyền sử dụng từ 1 tháng đến 24 tháng đối với Quyết định cấp phép nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam, Giấy phép nhận chìm ở biển, Quyết định giao khu vực biển và hoặc đình chỉ hoạt động nghiên cứu khoa học, nhận chìm ở biển, sử dụng khu vực biển; tịch thu tang vật vi phạm; trục xuất. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Mức tiền xử phạt tối đa đối với cá nhân vi phạm là 1 tỷ đồng…
Liên quan đến vi phạm quy định về nhận chìm ở biển, mức phạt cao nhất cũng là 1 tỷ đồng, thấp nhất là 5.000.000 đồng và có thể áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép nhận chìm ở biển; đình chỉ hoạt động nhận chìm ở biển. Tổ chức, cá nhân vi phạm buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Dự thảo Nghị định cũng đã làm rõ thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt của lực lượng công an nhân dân; lực lượng cảnh sát biển; Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Cục trưởng Cục Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Thẩm quyền được quy định phù hợp với chức danh và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo các quy định hiện hành và trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường với Chính phủ về việc bổ sung quy định chức năng thanh tra chuyên ngành cho Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.