Nỗi khổ bà mẹ trẻ
Vừa bước vào nhà, nghe tiếng con khóc, anh Nguyễn Việt Anh (chồng chị Hoa) khó chịu ra mặt. Ném cái nhìn hậm hực, anh Việt Anh gằn giọng: “Ở nhà có mỗi việc nuôi con cũng không xong”, rồi lại phóng xe đi thẳng.
Mười lần như một, anh Việt Anh sẽ sang nhà bố mẹ ăn cơm rồi chơi tới trễ mới về. Dĩ nhiên, chỉ ít phút chồng đi, chị Hoa sẽ nhận được điện thoại trách móc của mẹ chồng. Bà trách chị không chu toàn, vụng nuôi con, vụng chăm chồng. Dù đã nghe hàng trăm câu tương tự thốt ra từ miệng chồng, từ gia đình chồng nhưng chị Hoa vẫn không thể quen, mỗi lần nghe câu nói ấy lại găm sâu vào tim chị.
“Tôi đã thử ghi lại những việc mình làm trong ngày để xem liệu có phải mình sắp xếp không khoa học mới thành ra vậy, nhưng… ghi không nổi vì lặp đi lặp lại, vụn vặt, rất mất thời gian. Giờ tôi chỉ mong con mau lớn để đi làm bởi đã quá ngán cuộc sống mà ai nhìn vào cũng tưởng sung sướng, được ở riêng và chỉ việc ở nhà ôm con chờ chồng đi làm về”, chị Hoa tâm sự.
Chỉ cần lướt qua các diễn đàn của các mẹ “bỉm sữa” trên mạng xã hội sẽ thấy rất nhiều những bức bối của họ trong cuộc sống. Chủ yếu vẫn là tâm sự về những vất vả khi tiếng là ở nhà chăm con nhưng thực tế làm đủ thứ việc không tên, đến thời gian đánh răng, chải đầu, ăn sáng đôi khi cũng là điều xa xỉ. Hay chuyện tiền nong, chi tiêu trong gia đình cũng đủ điều để nói, bởi chỉ cái tã cho con cũng phải ngửa tay xin chồng.
Trang Anh (ngụ quận 10) cho biết: “Ngày có 24 giờ, tưởng là nhiều, nhưng với mẹ bỉm sữa bấy nhiêu không thể đủ. Cả chục bận cho con ăn, vệ sinh, tắm, ngủ, chơi rồi lại giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, đấy là chưa kể con đau ốm quấy khóc các kiểu, quay đi quay lại đã hết ngày”.
Nhìn vào thời gian biểu quen thuộc của những mẹ bỉm sữa như Trang Anh đăng trên Facebook, dù ban ngày hay đêm, chúng tôi hiếm thấy phút nào các chị dành cho bản thân hoặc được nghỉ ngơi đúng nghĩa, tất cả đều là tranh thủ.
“Con ngủ thì mẹ phải tranh thủ ngủ, nếu mẹ nào khó ngủ thì… thiệt thân. Biết là vậy mà đâu phải ai cũng làm được”, Trang Anh bày tỏ. Từ “thiệt thân” tưởng đâu chỉ dùng cho chuyện gì lớn lao lắm, ấy vậy mà với mẹ bỉm sữa, nó chỉ là giấc ngủ chập chờn mà đáng quý đến vậy.
Cần sự sẻ chia
Chị Hoa may mắn chỉ bị trầm cảm nhẹ, nhờ tâm sự với người bạn là giáo viên tâm lý nên phần nào giúp chị gỡ rối trong lòng. Không may mắn như chị Hoa, chị Vũ Hải Trâm (26 tuổi, ngụ quận 6) từng trầm cảm tới mức muốn giải thoát bản thân. Con chị Trâm đã 13 tháng tuổi nhưng nay ốm, mai đau. Dù đã đổi rất nhiều loại sữa, đưa con đi tư vấn dinh dưỡng nhưng bé vẫn đẹt. “Con còi, con ốm, tất nhiên là lỗi của tôi cả. Nhưng tôi đâu có muốn vậy”, chị Trâm nghẹn lời mỗi khi nói về con.
Chị Trâm làm trong ngành thời trang. Khi vừa cấn bầu, chị nhận được “chỉ thị” của gia đình chồng là nghỉ việc, ở nhà nghỉ ngơi để sinh con cho khỏe.
“Qua 3 tháng thai kỳ đầu tiên, tôi bắt đầu được mẹ chồng giao hết việc nhà để quán xuyến, dọn dẹp cho… dễ đẻ. Kể từ đó, tôi không còn chút thời gian dành cho bản thân. Sau này, sinh con ra, con còi cọc, ông bà không thèm ngó đến, chồng thì kiếm cớ công việc, họp hành, mình tôi cứ loay hoay ôm con đi khắp nơi để mong con khỏe hơn, lại phải chu toàn cơm nước cho cả gia đình, nhưng vẫn mang tiếng ăn bám, vụng dại”.
Còn mẹ chồng chị vẫn điệp khúc: Ngày xưa mẹ một nách nuôi 4 đứa con, vừa đi làm ca kíp đêm hôm, vừa chăm con khôn lớn, thành đạt như bây giờ. Ngày chị đứng trước cây cầu nghĩ đến quyên sinh, nhìn cậu con trai nhỏ thó mở mắt nhìn mẹ rồi nhoẻn miệng cười, bất giác chị giật mình lại ôm con trở về.
Những trường hợp nghĩ quẩn, làm dại như Trâm không hiếm. Theo số liệu thống kê của một tổ chức bảo vệ bà mẹ và trẻ em, ở Việt Nam, mỗi năm 10% các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh trong năm đầu tiên và 41,2% số ấy thường xuyên nghĩ đến hành vi tự tử. Tất nhiên, 10% phụ nữ sau sinh trầm cảm ấy xảy ra với nhiều nguyên nhân nhưng chung quy lại là sự thờ ơ, thiếu quan tâm, chia sẻ của chồng, của gia đình.
Nói như vậy để thấy, khi người phụ nữ trong giai đoạn yếu đuối cả về tinh thần và sức khỏe, lại luôn hoài nghi bản thân có thực sự vô dụng, đã trở thành áp lực vô hình khiến họ dễ tìm đến những suy nghĩ tiêu cực. Ở rất nhiều bài viết, tài liệu, các chuyên gia cho rằng không ai có thể kéo họ ra khỏi những tổn thương ấy ngoài chồng và gia đình.
Ấy vậy nhưng có tới 101 điều mà nhiều anh chồng luôn đem ra so sánh, tị nạnh với vợ. Nào là bản thân đi làm phải căng óc suy nghĩ, phải thế này, phải thế kia, còn vợ chỉ ở nhà chăm con, chỉ làm ba chuyện lặt vặt, mà quên rằng, trước khi làm mẹ “bỉm sữa”, chị em cũng đi làm, cũng đủ hiểu đâu mới là sự vất vả thực sự.