Hiện các phương tiện qua trạm tự do trong khi không có nhân viên thu phí nào của Công ty CP Tasco - chủ đầu tư BOT Mỹ Lộc có mặt tại trạm.
Tình trạng người dân tập trung phản đối tại Trạm BOT Mỹ Lộc bắt đầu xảy ra từ tháng 6-2018. Đỉnh điểm của tranh chấp là ngày 22-7, một thanh niên đã có hành vi vô văn hóa, chửi bới thô tục khi một nữ tài xế yêu cầu mở barie qua trạm. Mặc dù chủ đầu tư khẳng định không liên quan tới thanh niên này nhưng những bức xúc tại Trạm BOT Mỹ Lộc vẫn tiếp tục gia tăng. Đến mức, ngày 25-7, Công ty Cổ phần Bảo vệ Liên Anh đã xin hủy hợp đồng với chủ đầu tư do lo ngại mâu thuẫn giữa bên sử dụng dịch vụ và bên cung cấp dịch vụ chưa được giải quyết. Sau đó, lực lượng bảo vệ rút đi và Trạm BOT Mỹ Lộc đã không thể thực hiện thu phí.
Lý do phản ứng của người dân đối với Trạm BOT Mỹ Lộc chủ yếu là trạm đặt sai vị trí, được lập ra để thu phí đường BOT nhưng lại nằm trên phần đường BT, mức phí thu cũng cao gấp nhiều lần so với mức phí của nhiều tuyến đường BOT khác.
Cụ thể, Quốc lộ 21B từ Phủ Lý (Hà Nam) tới nút giao Quốc lộ 10 (Nam Định) dài 25km, trong đó có 21 km là đường BT, 3,9 km còn lại đ (dự án BOT đầu tư 4 làn xe, tỉnh Nam Định bỏ ngân sách đầu tư thêm mỗi bên 1 làn). Như vậy, việc chủ đầu tư thu phí toàn bộ là không rõ ràng.
Bên cạnh đó, mức phí được áp dụng tại Trạm BOT Mỹ Lộc cũng được cho là không hợp lý. Các phương tiện thuộc nhóm 1 (gồm ô tô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng) mỗi lượt đi qua trạm phải trả tiền vé 30.000 đồng. Theo quy định của Bộ GTVT, giá vé thu theo chặng của BOT chỉ tối đa 2.100 đồng/km thì 3,9km chỉ được thu hơn 8.000 đồng. Dư luận cũng bức xúc khi dự án BOT đưa vào sử dụng năm 2012 nhưng nhà đầu tư được thu phí tại trạm BOT Mỹ Lộc cũ trên Quốc lộ 21A từ năm 2009.