Trên tuyến đường huyết mạch qua trạm bê tông của Công ty Thịnh Đức Tiến tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), nhiều khúc đường nhựa bị xe bồn băm nát, ổ voi, ổ trâu đan xen nhau. Nghiêm trọng hơn, nước thải từ hoạt động của trạm trộn công ty này chảy lênh láng ra những tuyến đường trong khu dân cư, tuyến huyết mạch Tỉnh lộ 3 qua địa bàn xã Phước Đồng...
Năm 2015 UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định cho Công ty Thịnh Đức Tiến thuê đất tại thôn Hốc Nhãn, xã Phước Đồng, TP Nha Trang để đặt trạm bê tông. Nhà máy bê tông này được xây dựng trên diện tích hơn 6.200m2, công suất 80 tấn sản phẩm bê tông tươi/ngày với gần 20 xe chuyên chở sản phẩm bê tông cho công ty này. Theo phản ánh, từ ngày trạm bê tông này mọc lên, cư dân khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trời nắng thì bụi mù mịt, mưa thì đường lầy lội vì hàng chục xe chở bê tông, vật liệu trộn hoạt động liên tục.
Anh Nguyễn Văn Tân, nhà trước cổng nhà máy trộn bê tông Thịnh Đức Tiến, cho biết mỗi lần nhắc đến các trạm bê tông là anh thấy ám ảnh. Không chỉ có người dân nội đô tại Khánh Hòa bị ảnh hưởng, những vùng ven nơi có trạm bê tông cũng khốn khổ không kém. Hơn 2 năm nay, nhiều người dân xã Diên Lâm (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) cũng nhiều lần kêu cứu về các trạm trộn bê tông trên địa bàn “hành hạ” họ từng ngày nhưng được chưa giải quyết.
Bà Cao Thị Lan, ở thôn Hạ, xã Diên Lâm (cách trạm bê tông chỉ một bờ rào), cho biết gần nhà có trạm bê tông T.T, hoạt động gây tiếng ồn cả ngày lẫn đêm. Có lần nhiều khối bê tông đã trộn đổ tràn qua vườn nhà tôi. Ngoài bê tông đã trộn, nước thải, nước rửa cũng chảy tràn qua vườn khiến nhiều cây trồng trong vườn bị hư hại”, bà Cao Thị Lan nói.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Khánh Hòa, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 35 trạm trộn bê tông do 29 tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành; trong đó, TP Nha Trang có 11 trạm, thị xã Ninh Hòa có 4 trạm, huyện Khánh Vĩnh có 1 trạm, huyện Diên Khánh có 6 trạm, huyện Cam Lâm có 7 trạm, TP Cam Ranh có 4 trạm, huyện Khánh Sơn có 1 trạm và huyện Vạn Ninh có 1 trạm.
Đến thời điểm này, trong tổng số 35 trạm trộn bê tông có 11 trạm đã ngừng hoạt động, 24 trạm đang hoạt động. Qua kiểm tra 23 trạm (1 trạm chưa kiểm tra do vướng dịch Covid-19) chỉ có 7 trạm trộn bê tông có giấy phép xây dựng, còn 16 trạm không có giấy phép.
Qua kết quả kiểm tra, xử lý của Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan, Sở Xây dựng nhận thấy vi phạm của các trạm trộn bê tông chủ yếu thuộc trường hợp xây dựng không phép, sai quy hoạch, vi phạm về môi trường như: chưa có hồ sơ về môi trường, xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường với chất thải nguy hại; không có giấy phép đấu nối vào các tuyến đường, vi phạm về tải trọng xe, tải trọng cầu đường…