
Nằm yên bình giữa vùng đất được mệnh danh là “vùng đất Phật”, ngôi chùa mái lá mang tên Thiền thất Ca Diếp có một nhà sư ngày ngày lặng lẽ nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh…
Cơ duyên với trẻ con

Thầy Minh Đạo và những chú tiểu ở Thiền thất Ca Diếp
Đón chúng tôi ngay tại cổng Thiền thất Ca Diếp (thôn Phước Thành, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là những chú tiểu quần áo nâu sòng sạch sẽ với những lời chào khách rất từ tốn, lễ phép. Đó chính là những chú tiểu được thầy Minh Đạo, trụ trì chùa, đưa về nuôi dưỡng, cho ăn học nên người.
Nằm ở một vùng đất hội tụ rất nhiều chùa, bên cạnh những ngôi chùa khang trang với mái ngói đỏ, cổng bê tông, Thiền thất Ca Diếp ẩn mình khiêm tốn với mái lợp bằng lá dừa.
Gặp thầy Minh Đạo đang tất bật lo bữa ăn cho những chú tiểu, sư cười hiền rồi cùng chúng tôi vãng cảnh chùa. Câu chuyện một nhà sư trẻ xây dựng chùa để nuôi trẻ mồ côi cách đây 7 năm dần hiện về trong ký ức thầy trụ trì.
Năm 2001, khi sư Minh Đạo còn đang học đạo trên núi Dinh (nay gọi là núi Bồng Lai), không hiểu cơ duyên gì mà trẻ con, đặc biệt là trẻ mồ côi, bất hạnh tìm lên núi để ở với thầy ngày càng nhiều. Thương hoàn cảnh các em, sư Minh Đạo lúc ấy mới hơn 30 tuổi đã tận tình chăm sóc các em như một người mẹ. Một tay thầy lo cho lũ trẻ nào là chuyện ăn uống, giặt giũ, tắm rửa. Rồi những khi trái gió trở trời, các em trở bệnh, thầy lại thành một thầy thuốc ân cần chăm sóc thuốc thang cho hơn chục đứa trẻ.
Sinh thời, mẹ của thầy khi lên núi thăm thầy đã khóc khi thấy con trai mình đang hì hụi tắm cho những đứa trẻ nheo nhóc. Không thể ở trên núi mãi vì còn phải lo chuyện học hành cho các em, năm 2006, thầy trò dắt díu nhau đến vùng đất Phước Thành để tìm chỗ ở mới. Đến đây, thầy Minh Đạo đã mua chịu một mảnh đất, được sự giúp sức của bà con, phật tử mà dựng nên ngôi chùa mái lá đơn sơ.
Khó khăn vẫn đợi phía trước
Trong ngôi chùa mái lá ấy là những đứa trẻ với những số phận khác nhau. Hầu hết đều là những đứa bé sống lang thang đầu đường xó chợ, tối ngủ vỉa hè, đôi lúc phải dùng nắm đấm để giành giật miếng cơm qua ngày. Huệ Ánh là nhỏ tuổi nhất, 2 tuổi 4 tháng, vừa được đưa đến chùa, chỉ mới biết nói bi bô, đang ôm chặt thầy Minh Đạo khi thấy khách lạ đến thăm.
Chú Huệ Hưng đã hơn 20 tuổi, theo thầy từ lúc thầy còn ở trên núi vì chú là trẻ mồ côi. Anh em chú Huệ Sáng có cha mẹ nhưng họ bỏ nhau, mỗi người ra lập gia đình riêng, bỏ con sống vất vưởng. Hai anh em phải kiếm sống bằng “nghề” ăn xin, được thầy Minh Đạo khi gặp về quê thăm mẹ và mang về nuôi.
Còn Đỗ Trí Lực (sắp vào lớp 1) có 4 anh em nhưng hiện mỗi người sống mỗi nơi sau sự ra đi của người cha trong cơn bão số 5. Em mới vừa khỏi bệnh sốt rét, mặt vẫn còn một màu vàng vọt. Hiện, chùa có 28 chú, mỗi chú một hoàn cảnh, nhưng khi cùng sống dưới mái ấm của chùa, trong vòng tay yêu thương của thầy Minh Đạo, các chú đều ngoan và một mực kính thầy như cha.
Nuôi 28 đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi mặc, chuyện lo ăn lo uống hàng ngày đã rất khó, thế nhưng thầy vẫn tâm niệm một điều không để trẻ nào thất học. Thầy nói: “Các chú phải biết chữ để lớn lên không phải sống khổ cực, để hòa nhập và sống được với cộng đồng. Cuộc sống bây giờ mà không có học, không có chữ thì làm sao được”. Chuyện lo học phí cho cả 28 chú tiểu được đến trường là cả một vấn đề với thầy. Vậy mà các chú ở đây đều được học đầy đủ, có hai chú vừa tốt nghiệp lớp 12, một chú đậu đại học, đó chính là niềm vui lớn nhất của thầy.
Hiện nay, khuôn viên chùa rộng 4.000m2 nhưng diện tích để xây dựng chỉ chiếm khoảng 1/10. Lọt thỏm giữa 4 công đất rộng mênh mông là tòa chánh điện khiêm tốn, với mái lá và bốn bề trống trơn, không vách, không cửa. Khi xây dựng, thầy Minh Đạo tính sử dụng ngôi chùa mái lá này đến khi mục nát, ít ra cũng được hơn chục năm. Thế nhưng cơn mưa to ngày 1-8 vừa qua đã làm sụp dàn kéo, ngôi chùa nghèo lại càng thêm tơi tả. Những ngày tháng phía trước vẫn là một gánh lo đè nặng lên vai thầy Minh Đạo.
Diễm Lệ (SGGP 12G)