1. Ông nói thêm về “cuộc gặp lịch sử” với hai vị lãnh đạo cao nhất TPHCM, ngoài những giọt nước mắt còn có những vòng tay ôm chặt chúc mừng. “Đáp lại tình cảm chân thành ấy của ông Nên và ông Mãi, tôi nói, bản thân mình là nhân sĩ, trí thức yêu nước, dấn thân, đắm mình vào những công trình, nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lịch sử, văn hóa, Nam bộ và tương lai phát triển của TPHCM, của đất nước. Ở thành phố này là một phong trào, chứ không phải chỉ có một vài người. Tôi muốn nhấn mạnh đến điều đó, là nét đặc trưng văn hóa Nam bộ. Đó còn là sự tích tụ của cả một khối lượng, kho tàng nghiên cứu về sử liệu, góp phần tôn những giá trị lịch sử, văn hóa của Sài Gòn - TPHCM”.
Nói rồi, ông kể ra kho tàng, khối lượng công trình nghiên cứu không ngừng nghỉ suốt 80 năm qua, trong đó có hơn 40 năm với tư cách là Ủy viên Hội đồng Khoa học TPHCM, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM. “Đến nay, tôi có 40 đầu sách của mình đứng tên và khoảng 30 đầu sách viết chung. Nhiều công trình gần như là đặt hàng của lãnh đạo thành phố, như bộ 4 quyển về địa chí văn hóa TPHCM. Ngoài ra, tôi có những công trình riêng thực hiện trong nhiều năm qua. Từ đó, tôi viết được nhiều tác phẩm như nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, từ đầu đời vua Gia Long, năm 1802-1836, đến nay đã in ra được 10 quyển địa bạ từ Cà Mau ra tới Huế. Tôi có hợp tác với GS Phan Huy Lê tiếp tục công trình địa bạ của các địa phương còn lại trong thời gian tới. GS Phan Huy Lê chuyên về dịch thuật, tôi thì nghiên cứu. Hai cách này duy trì, hỗ trợ, giúp cho nhau rất tốt. Công trình địa bạ được coi là độc đáo, hữu ích cho hiện nay và thời gian tới mà tôi đóng góp cho TPHCM. Với những tập sách Tạp ghi Việt sử địa, đã ra được 4 quyển, còn 2 quyển sắp xuất bản. Nhiều sách nói về từng vấn đề của thành phố, ví dụ như 300 năm Sài Gòn - TPHCM, hay là Nam Kỳ Lục tỉnh, khoảng 10 quyển…”, sử gia Nguyễn Đình Đầu chia sẻ.
"Hàng ngày tôi đều đọc báo, để theo dõi thời sự trên các lĩnh vực của TPHCM và cả nước. Báo chí hàng ngày là món ăn tinh thần tốt nhất cho tôi. Một ngày tôi có 8 giờ làm việc, đọc sách báo, nghiên cứu khoa học. Ngay cả trong lúc nghỉ, tôi cũng có những suy nghĩ cho tinh thần, đặt kế hoạch công việc, hoạt động cho những điều hữu ích, tìm tòi, suy tư về những điều mình chưa hiểu hết, chưa làm được cho cuộc đời này, xã hội này" - Sử gia Nguyễn Đình Đầu. |
2. Về bản đồ, tính tới nay, sử gia Nguyễn Đình Đầu lưu giữ được gần 4.000 bản đồ cổ Việt Nam. Ông đã bỏ công sức, thời gian nghiên cứu, chú giải được gần hết số bản đồ trên, đủ tỷ lệ khác nhau, nhỏ có, lớn có, đều được chỉ dẫn ra từng cứ liệu về tên gọi của các vùng đất, địa giới, đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu… ghi trên từng tấm bản đồ. Trong đó, như ông nói, chỉ riêng Sài Gòn đã vào khoảng 1.000 bản đồ do các nhà địa chất Pháp và Bồ Đào Nha vẽ hàng trăm năm trước. Còn bản đồ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, kể cả trên biển và trên đất liền, ông kể ra cũng mấy ngàn cái.
Trong những bản đồ đó, có những cái căn bản của Việt Nam, một số do những người ngoại quốc và các vị giám mục vẽ theo kinh tuyến, vĩ tuyến của Việt Nam, có tỷ lệ rất rõ ràng, y như bây giờ. Trên đó ghi những địa danh của thời Gia Long, làm cơ sở cho đánh giá, định danh địa lý của từng vùng, từng địa phương. “Những tấm bản đồ đó nhiều người không biết, và tôi phải nghiên cứu rất lâu mới hiểu được. Tôi có nhiều bạn thân ở nước ngoài mua giúp những bản đồ của Tây phương vẽ Việt Nam từ thế kỷ thứ 14, 15 cho đến về sau”, sử gia Nguyễn Đình Đầu nói.
Giới thiệu với chúng tôi 3 tấm bản đồ khổ to treo góc phòng, sử gia Nguyễn Đình Đầu nói: “Đó là tấm bản đồ đã được nghiên cứu, chỉ dẫn ra những hoạt động có ý nghĩa, ảnh hưởng đến sự phát triển của TPHCM. Trong đó có tấm bản đồ vẽ từ thời Pháp với các cứ liệu rõ ràng, giúp định hướng quy hoạch mở tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 hiện nay. Tới đây, tôi sẽ tổ chức một cuộc triển lãm giới thiệu về những tấm bản đồ đã được nghiên cứu, chỉ dẫn địa giới phát triển trên các lĩnh vực, đặc biệt là mạng lưới giao thông của TPHCM và vùng lân cận. Trong đó có nhiều bản đồ chỉ dẫn các tuyến xe hỏa, đường tàu điện cũ từ đâu đến đâu đã được hình thành từ nhiều năm trước. Có những tấm bản đồ được lập hơn 100 năm nay, ghi rõ chỗ nào mở sân bay chính, sân bay phụ; hay là bờ biển có những cửa khẩu như thế nào. Tất cả có trong các bản đồ đó được nói rõ theo đặc thù của Việt Nam, có gắn với xu hướng phát triển của thế giới và các nước trong khu vực”.
3. Sử gia Nguyễn Đình Đầu không chỉ có các công trình nghiên cứu, bộ sách, bản đồ, ông còn có nhiều hoạt động khoa học, lịch sử trong nhiều thập kỷ qua, từ rất sớm cùng với hai ông Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng. Ông nói: “Chúng tôi rất ủng hộ nhau. Nhờ có ông Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng có hiểu biết về tôi qua quá khứ và những công trình nghiên cứu khoa học của tôi nên rất ủng hộ. Ông Giàu là nhà khoa học chuyên nghiên cứu về sử học, triết học. Còn ông Trần Bạch Đằng thì chuyên về chính trị. Tôi đã ảnh hưởng từ hai ông, giúp thu thập được nhiều tài liệu cho quá trình nghiên cứu của mình, nhất là mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới”.
Trong các cuộc gặp lãnh đạo TPHCM, sử gia Nguyễn Đình Đầu luôn nói đến quá khứ phát triển và tương lai TPHCM, trên bến dưới thuyền của sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Ông còn giữ được tấm bản đồ lớn về hai con sông này.
Sử gia Nguyễn Đình Đầu chia sẻ: “Như tôi đây, nhờ tinh thần đã chữa được bệnh tật, có sức khỏe tốt để làm việc. Tinh thần làm cho ta vượt qua hết mọi khó khăn, bệnh tật. Mới đây, bác sĩ đến thăm khám cho tôi, đã thốt lên: “Lạ quá, trong người của ông bộ phận nào cũng tốt, tim, phổi, óc não, không thấy bị suy suyển gì”. Đó là nhờ tinh thần. Tinh thần nó như chúng ta tập thể dục hàng ngày vậy đó. Hàng ngày ta luôn nghĩ về những điều tích cực, lạc quan, tư duy, nghiên cứu về những điều tích cực, hữu ích cho xã hội, làm cho tinh thần ngày một thêm bồi bổ, sáng suốt lên. Tôi không phải không có những khó khăn, nhờ tinh thần, nhờ niềm tin tưởng vào tương lai, sự tự tiến nữa giúp vượt qua được. Tôi có nói với bác sĩ: “Tôi tuổi đã cao, xin bác sĩ làm thủ tục cho tôi hiến xác”. Ý tôi là mang cả tâm hồn và thể xác cho khoa học, cho thành phố này. Nhưng các bác sĩ thấy trái tim của tôi còn tốt, nếu có thể thì giữ lại, bảo quản rồi ghi rõ - Trái tim Nguyễn Đình Đầu”.