Trái tim người mẹ

Một

Xuất thân từ gia đình được coi là giàu có trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhưng mẹ không được cắp sách tới trường. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp vào giai đoạn quyết liệt, cha từ quan, anh trai tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, chưa đầy 20 tuổi mẹ theo dòng người tản cư vào Thanh Hóa. Chiến tranh loạn lạc, thân gái dặm trường, mẹ như cánh bèo trôi dạt qua Ninh Bình xuôi về Nam Định. Ở vùng duyên hải Sơn Nam Hạ xưa, thấy mẹ nết na, đẹp người, nhanh nhẹn, ông bà Ký Thiện, một gia đình giàu có, nhân hậu vùng chân sóng Hải Hậu nhận mẹ làm con nuôi. Được ít lâu, một du kích thời chống Pháp dạm hỏi. Không có điều kiện tìm hiểu kỹ, chỉ biết người đàn ông này có biết Hải Phòng (quê hương), mẹ nhận lời làm vợ.

traitim-ok-2-4851.jpg

Hai

Nhà nghèo, nhưng ông bà nội vẫn chắt chiu cho cha học chữ Nho. Lâu lâu cha đọc sách cho mẹ nghe và đôi khi nổi hứng, ngâm thơ, lẩy Kiều. Vốn thông minh, mẹ nhập tâm và thuộc những câu Kiều kinh điển. Lời ru vận Kiều của cha và của mẹ in đậm trong ký ức của tôi. Ngay từ thời học cấp 1 tôi đã ham đọc sách. Đến cấp 2 thì thuộc loại mê sách. Dành dụm đồng bạc mừng tuổi dịp Tết, tôi lên hiệu sách Nhân Dân trên phố huyện (Đông Biên) để mua sách. Những cuốn sách hay, đắt tiền như Tam quốc diễn nghĩa, Thủy Hử, Tây du ký, Rừng thẳm tuyết dày, Thép đã tôi thế đấy... tôi phải năn nỉ mượn của mấy ông anh cùng xóm. Mỗi lần chăn trâu, tôi mang sách theo đọc. Cuộc đời của Thúy Kiều ám ảnh tôi từ ngày ấy. Mối tình của nàng với chàng họ Kim khiến trái tim tôi rung lên nhịp lạ.

Ngày ấy, không chỉ riêng gia đình tôi, mà cả làng, cả xã đều đói khổ. Cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Nói thẳng là cũng chẳng đủ khoai, sắn để yên dạ dày. Cha mẹ tôi lao vào lo chuyện cơm áo, chắt chiu, cần mẫn nuôi đàn con lớn nhỏ gần chục người. Không đủ thời gian và cảm hứng để cha mẹ đọc thơ và ru thơ cho các con như trước...

Lớn lên, đang học lớp mười chuẩn bị thi tốt nghiệp, có đợt gọi nhập ngũ, tôi xung phong lên đường. Ấy là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn quyết liệt. Trai tráng làng tôi lần lượt vào bộ đội. Dường như không tuần nào không có giấy báo tử về làng. Biết thế, cha mẹ không ngăn cản tôi. Làm trai thời loạn, nước có giặc thì đi đánh giặc. Mẹ dặn thế khi tiễn tôi ra đầu làng, nơi con mốc (đường) như dải băng trắng vắt qua cánh đồng xanh ngắt.

Chiến tranh kết thúc, tôi khoác ba lô về làng. Nhìn dáng tôi liêu xiêu dọc bờ sông với chiếc ba lô con cóc lép xẹp, mẹ không cầm được nước mắt. Câu đầu tiên mẹ hỏi: Con về còn em con đâu? Em trai tôi hy sinh cuối năm 1973 nơi cửa ngõ Sài Gòn, sau hơn một năm nhập ngũ.

Để thỏa nỗi khát khao của mẹ, bằng tất cả những gì có thể, chúng tôi đã đi tìm em. Ròng rã mười mấy năm trời vẫn bặt vô âm tín. Mẹ an ủi: Tìm thì cứ tìm, nhưng thân thể em con đã tan vào đất rồi. Hồn hóa linh khí rồi. Lời của mẹ chạm đến miền sâu thẳm thiêng liêng trong trái tim chúng tôi. Một lần, trở về chiến trường xưa Long Khốt (Vĩnh Hưng - Long An), nơi có gần 1.000 đồng đội tôi nằm xuống, lời của mẹ vỡ òa thành đôi câu thơ: Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia.

Ba

Từ trái tim người mẹ, trước nỗi đau mất con, mẹ đã cho tôi nguồn cảm hứng sáng tạo để viết. Con về còn em con đâu? thành “Câu hỏi đời người” (tên một tập thơ của tôi), và trở thành bài hát (nhạc Phạm Đăng Khương) được nhiều ca sĩ nổi tiếng trình diễn trong những sự kiện chính trị văn hóa trọng thể của nhiều địa phương.

Từ trái tim người mẹ, trước nỗi đau mất con, mẹ đã cho tôi sở hữu đôi câu thơ (kể trên); trở thành cặp câu đối được nhiều địa phương khắc ghi trên bia đá, chuông đồng, hoành phi trong đền thờ hoặc bia tưởng niệm liệt sĩ.

Bốn

Giáp Tết này, chúng tôi về thăm mẹ. Trên 90 tuổi, người ta thường không còn sáng suốt, nhớ nhớ, quên quên. Thật hạnh phúc và ngạc nhiên khi vào tuổi ấy, mẹ không những vẫn nhớ những câu thơ kinh điển mà còn “sáng tác” những câu thơ lay động lòng người. Một buổi sáng, mấy mẹ con ngồi ẩm trà, mẹ đọc: Yêu ta, ta vẫn thế này/ Ghét ta, ta vẫn như ngày hôm qua!

Yêu và ghét là trạng thái tâm lý thường đời ngàn xưa. Dẫu vậy, mẹ vẫn nhắc hãy yêu cái tốt đẹp, hãy làm tròn đạo hiếu, tri ân và cống hiến. Và, chiều chiều mẹ vẫn ngồi bậu cửa ngóng ra đường. Biết con trai mẹ đã nằm lại nơi cửa ngõ Sài Gòn cách nay hơn nửa thế kỷ, mẹ vẫn khắc khoải chờ đợi điều diệu kỳ xảy ra.

Mùa Xuân đang về. Đêm nay, trong giấc mơ, con trai mẹ có về không?

Nam Định, cuối đông 2023

Tin cùng chuyên mục