1. Hai con trai chị đã lớn, cũng có cơ ngơi riêng để chị chẳng phải lo toan gì cho chúng. Chồng chị cũng bận rộn với mối quan hệ làm ăn và ít về nhà. Nhưng vấn đề của chị không nằm ở chồng hay con. Chị chỉ không biết dùng tiền vào việc gì để đúng với việc hưởng thụ thành quả sau bao nhiêu năm cặm cụi cực khổ mà có.
Chị nói, chị muốn đi du lịch nước ngoài cho biết với người ta, nhưng ngặt nỗi chị ra đời từ sớm, đâu có học hành nhiều nên tiếng Anh càng không có chữ nào trong đầu. Rồi chị bị công việc cuốn. Chị bám lấy cửa hàng sinh lãi tiền tỷ hàng năm nên không dám bỏ ra để trau dồi những kỹ năng khác cho mình ngoài việc kiếm thật nhiều tiền. Mà đi theo tour thì đi vài lần chị thấy mệt, không đủ sức khỏe để theo kịp mọi người. Thành ra chuyến đi cũng chẳng mang lại sự hứng khởi nào ngoài mệt mỏi. Chưa kể những món ăn ở các nước, chị không quen, nên về nhà là mất sức một thời gian dài.
Chị muốn đến những nơi sang trọng, muốn thưởng thức nghệ thuật nhưng việc lựa một bộ đồ cho thật phù hợp, chị cũng không đủ tự tin vào gu thẩm mỹ của mình. Và cũng vì đã quá lâu rồi chị không đến những nơi như vậy.
Chị muốn đến một nhà hàng sang trọng bậc nhất để được thưởng thức món ăn Tây, được làm “thượng đế” của thời buổi dịch vụ phục vụ lên ngôi như bây giờ, nhưng cơ thể chị, những căn bệnh chị đang mang không thể dung nạp thêm những món ăn bổ dưỡng…
Chị muốn gặp gỡ bạn bè để “tám” đủ thứ chuyện trên trời dưới đất nhưng từ lúc nào, những bức tường khoảng cách hình thành giữa họ. Những người chị muốn gặp gỡ đều đang ở một tần số khác, không còn phù hợp như chị nghĩ.
Chị tự hỏi, cuối cùng làm lụng vất vả, có thật nhiều tiền để làm gì?
Tiền sẽ đáp ứng về vật chất từ căn bản đến cấp cao trong bậc thang nhu cầu cuộc đời mỗi người. Nhưng có đúng là chỉ cần có tiền sẽ có tất cả không?
Người chồng ẵm đứa nhỏ khoảng 3 tuổi lên để bé tự tay chọn món bánh mình thích. Rồi họ cùng chọn sữa cho đứa nhỏ, thêm vài thứ lặt vặt trong gia đình. Cả hai người lớn rộn ràng với việc chọn món này, món kia, và đứa trẻ thì í ới cười nói làm sôi động cả hàng tạp hóa.
Không dưng chứng kiến cảnh ấy, tôi hình dung ra tổ ấm giản đơn của họ luôn rộn rã tiếng cười. Ấm áp biết bao. Mới thấy hạnh phúc đâu chỉ là nhà lầu, xe hơi. Hạnh phúc giản đơn mà cặp vợ chồng này đang có, là mơ ước của biết bao gia đình giàu có vật chất nhưng lạnh lẽo từ góc bếp đến phòng ngủ.
Vậy tại sao không vừa giàu có vừa ấm êm hạnh phúc?
3. Khi còn khó khăn, người ta vẫn có thể hạnh phúc theo cách của họ, nhưng nếu giàu có hơn, cặp vợ chồng trẻ ấy sẽ không phải nhấc lên bỏ xuống những món hàng khác nhau ở chất lượng, giá cả. Những đứa trẻ cũng khó tránh khỏi những thèm thuồng món đồ chơi xa xỉ mà ông bố dù thương con cũng chỉ biết lắc đầu khi chạm vào những đồng tiền xẹp lép nơi đáy túi của mình.
Tôi còn nhớ một lần chị gái gửi đứa cháu dưới quê lên chỗ tôi vài ngày. Con bé mới học lớp 4 nhưng khi tôi dẫn đi đâu, ăn hay mua món gì, nó đều hỏi giá món hàng, thực đơn. Khi tôi dắt cháu vào siêu thị, cầm những món có giá cao, cháu tôi dù thích nhưng vẫn rụt tay lại. Tôi phải nói mãi, rằng dì là người nhà, cháu chỉ không nhận quà của người lạ thôi, cháu mới chịu nhận nhưng trong ánh mắt của cháu vẫn lăn tăn vì món đó nhiều tiền, dù nó chỉ vài trăm ngàn đồng.
Điều đó không hiểu sao khiến tôi đau lòng mãi đến sau này, gần như là ám ảnh ánh mắt của cháu. Ở cái tuổi hồn nhiên, cớ gì một đứa trẻ mười tuổi phải quan tâm đến giá cả, tiền bạc?
Không có một sự rõ ràng nào cho việc giàu có thì không hạnh phúc, và ngược lại. Suốt những tháng mùa dịch ở yên trong nhà, tôi có thực hành một vài phương pháp được những người có chuyên môn hướng dẫn, về sự bình an từ bên trong, sự đủ đầy với những gì mình đang có. Đó không hẳn là phép màu, nhưng tôi tin việc thực hành đó thực sự tác dụng với tôi.
Tôi luôn thấy mình đủ đầy, thậm chí giàu có, vì tôi khỏe mạnh, bình an và trái tim vẫn rung lên nhịp yêu thương với con người, vạn vật chung quanh mình!