Công bằng mà nói, nếu không có kênh huy động vốn qua phát hành trái phiếu, nhiều DN lớn có thể đã sụp đổ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm đứt dòng tiền, nhiều DN không thể tiếp cận được vốn ngân hàng. Theo Công ty Chứng khoán SSI, tổng lượng TPDN lưu hành tại thời điểm cuối năm 2021 đạt khoảng 1,4 triệu tỷ đồng (tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm giai đoạn 2017-2021). Quy mô thị trường TPDN đã tăng mạnh, từ 4,9%GDP (năm 2017) lên 16,6%GDP (năm 2021). Năm 2021, các DN bất động sản là nhóm phát hành nhiều nhất với 318.200 tỷ đồng, tăng 66,3% so với năm 2020 và chiếm 44% tổng lượng phát hành năm 2021; tiếp đến, các ngân hàng thương mại phát hành 226.400 tỷ đồng, tăng 73% so với năm 2020, chiếm 31,3% tổng lượng phát hành…
Nhưng, khi lãi suất lên đến 15-18%/năm và TPDN được chào bán trên mạng xã hội thì thị trường này đã bộc lộ bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong giai đoạn năm 2019-2021, Bộ Tài chính đã liên tục phát đi những cảnh báo về các rủi ro mà nhà đầu tư sẽ gặp phải khi mua TPDN. Bên cạnh các khuyến cáo thì các biện pháp chấn chỉnh liên tục được đưa ra. Đầu tháng 12-2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trên thị trường này. Vào tháng 1-2022, Thông tư 16/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN) có hiệu lực, với nhiều điều khoản “siết” ngân hàng mua, bán TPDN đã khiến các tổ chức tín dụng không còn “mạnh tay” bỏ vốn vào TPDN. Còn về phía Bộ Tài chính, sau khi tiến hành kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 DN phát hành trái phiếu riêng lẻ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt 2 DN và 1 công ty chứng khoán vì có những vi phạm trong phát hành TPDN.
Trở lại câu chuyện phát hành TPDN của 3 công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, việc hủy bỏ cũng đồng nghĩa sẽ phải trả lại tiền cho nhà đầu tư. Song, việc có mua lại được trái phiếu hay không lại liên quan đến dòng tiền DN. Trong khi, 9 đợt phát hành được tiến hành từ tháng 7-2021 đến tháng 3-2022 và nguồn huy động đã được đầu tư vào các dự án. Một số chuyên gia cho rằng, nếu không giải quyết ổn thỏa quyền lợi của trái chủ (là tổ chức, cá nhân) và các chủ thể liên quan (như đại lý phát hành, công ty tư vấn phát hành) thì vụ việc chưa có tiền lệ này sẽ tạo ra những điểm nóng trên thị trường.
DN huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu là theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư phải đặc biệt quan tâm và tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính, thông tin về trái phiếu phát hành, tài sản bảo đảm, đơn vị tư vấn, bảo lãnh…, trước khi quyết định mua TPDN. Nếu mua trái phiếu theo phong trào, không quan tâm, đánh giá rủi ro, mua vì lãi suất cao…, thì khi xảy ra rủi ro, nhà đầu tư có thể mất cả gốc và lãi. Vụ việc ở xảy ra tại các công ty con của Tân Hoàng Minh rõ ràng là lời cảnh báo đáng lưu tâm.