Đặt chuẩn cao hơn
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, trong 2 tháng đầu năm 2021 có 22 DN phát hành riêng lẻ 11.428 tỷ đồng trái phiếu, giá trị phát hành giảm 40,9% so với cùng kỳ năm 2020, tập trung chủ yếu ở kỳ hạn 3 và 5 năm. Những DN có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất là Công ty CP Phát triển bất động sản Nhật Quang (2.150 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư Smart Dragon (1.900 tỷ đồng) và Công ty CP Dịch vụ Thương mại tổng hợp VinCommerce (1.500 tỷ đồng). Như vậy, lũy kế 2 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt 15.562 tỷ đồng, giảm 19,6% (so với 19.347 tỷ đồng) cùng kỳ năm 2020.
Các chuyên gia của VNDirect đánh giá, sự giảm nhiệt này do các quy định về phát hành TPDN của Nhà nước đã siết chặt hơn. Cụ thể, Nghị định 155/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, quy định chỉ có các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, có năng lực tài chính hoặc có chuyên môn về chứng khoán hoặc cá nhân nắm giữ danh mục đầu tư ít nhất 2 tỷ đồng, cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất ít nhất 1 tỷ đồng mới được quyền mua TPDN phát hành riêng lẻ.
Cùng với đó, Nghị định 153/2020 của Chính phủ quy định về chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ, TPDN ra thị trường quốc tế được xây dựng theo hướng buộc các hoạt động liên quan phải minh bạch thông tin. Theo đó, quy định chi tiết trách nhiệm của DN phát hành trái phiếu phải minh bạch thông tin về hoạt động cho nhà đầu tư. DN có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cố tình có các hành vi vi phạm các quy định pháp luật. Đồng thời, Nhà nước cũng quy định trách nhiệm của Sở Giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc giám sát công bố thông tin, vận hành chuyên trang công bố thông tin, quản lý, giám sát công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ chào bán và giao dịch TPDN. Việc này đã tạo ra sự thay đổi đáng kể đối với thị trường TPDN.
Vẫn hút nhà đầu tư
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2020, khối lượng phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước tăng 29% so với năm 2019, đạt khoảng 430.000 tỷ đồng, trong đó, phát hành riêng lẻ chiếm 93,4% tổng lượng phát hành, tăng 30,4% so với năm 2019; phát hành ra công chúng tăng 33% so với năm 2019. Trong đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) và công ty bất động sản vẫn là 2 nhóm DN có giá trị phát hành trái phiếu lớn nhất trên thị trường.
Bất chấp có sự thay đổi trong các quy định của Nhà nước về TPDN như nêu trên, theo Fiin Ratings - tổ chức xếp hạng tín nhiệm được cấp phép tại Việt Nam - hoạt động của thị trường TPDN năm 2021 vẫn sẽ sôi động. Dù về quy mô sẽ khó đạt được giá trị phát hành như năm 2020 bởi quy định giới hạn đối tượng mua.
Thực tế cho thấy, nhu cầu vốn trung và dài hạn của DN Việt Nam rất lớn, nhưng năng lực đáp ứng vốn của hệ thống ngân hàng thương mại chưa đủ. Chính vì thế, chủ trương chung của các cơ quan điều hành vẫn là ưu tiên kênh vốn trung, dài hạn thông qua trái phiếu và qua huy động trên thị trường cổ phiếu. Thêm vào đó, ở góc độ cầu, nhu cầu đầu tư và sở hữu TPDN sẽ tăng lên khi lãi suất tiền gửi ngân hàng đang ở mức thấp.
Chị Như Kim (quận 2) cho biết, chị đang có 2 sổ tiết kiệm tại ngân hàng, số tiền 2 tỷ đồng/sổ. Tuy nhiên, sau khi đáo hạn trong tháng 3-2021, lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ 6,8%/năm xuống dưới 6%/năm nên chị quyết định rút tiền tiết kiệm ở một sổ để đầu tư vào TPDN. Hiện chị đã mua TPDN của 1 công ty chứng khoán với lãi suất 8,1%/năm, lãi suất lãnh từng tháng và sau 6 tháng có thể chuyển nhượng lại cho công ty hoặc sẽ được công ty chào bán đến người có nhu cầu khác. Tương tự, anh Hoàng Lê (quận Tân Bình) đang có khoản tiền nhàn rỗi khoảng 500 triệu đồng. Gửi tiết kiệm ở ngân hàng không được lãi bao nhiêu nên anh quyết định mua TPDN. Anh Hoàng Lê nói, vẫn biết đầu tư là có rủi ro nhưng anh vẫn chọn mua TPDN vì mức lãi suất kỳ vọng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư cá nhân không nên mạo hiểm khi chỉ nhìn vào lãi suất để đầu tư TPDN. Bởi lẽ, đặc thù của TPDN là công cụ nợ, do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn. Khả năng trả nợ của DN lại phụ thuộc rất lớn vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh. Trong năm 2020, nhiều DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn đẩy mạnh huy động vốn thông qua phát hành TPDN. Thực tế, có không ít DN phát hành trái phiếu, chưa hẳn là huy động vốn để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của mình, mà chỉ để cơ cấu lại các khoản nợ. Tất nhiên, nhà đầu tư cá nhân vẫn có nhiều cơ hội với TPDN so với các kênh đầu tư khác như bất động sản, cổ phiếu, gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, rủi ro là hiện hữu; cơ hội để tìm kiếm trái phiếu có rủi ro thấp với lãi suất hợp lý trên thị trường thì chỉ phù hợp với nhà đầu tư chuyên nghiệp, có khả năng phân tích và đánh giá rủi ro.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup - DN chuyên cung cấp dịch vụ thông tin tài chính, cho biết thêm, dư nợ TPDN năm 2020 đạt quy mô 950.300 tỷ đồng, tương đương 15,1% GDP và 10,3% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, có đến 75% danh mục TPDN do ngân hàng nắm giữ trong khi phát hành đại chúng còn rất nhỏ, nên quy mô thị trường trái phiếu có vẻ lớn nhưng chưa thực sự lớn. Hiện TPDN Việt Nam đang ở giai đoạn “vàng thau lẫn lộn” vì nhiều DN tốt nhưng chào lãi suất thấp ngang với những DN yếu kém hơn. |