Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
ThS Võ Đức Cẩm Hải, Phó trưởng Khoa Toán - Tin, Trường Đại học (ĐH) Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM, cho biết, tháng 10-2004, nhân chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Pháp Jacques Chirac, Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam đã ký thỏa thuận triển khai thực hiện Chương trình phối hợp đào tạo Thạc sĩ toán ứng dụng giữa ĐHQG TPHCM với ĐH Orléans và một số cơ sở đào tạo của Cộng hòa Pháp (gọi tắt là Chương trình Thạc sĩ toán ứng dụng Việt - Pháp) từ năm 2007. Đây là chương trình đào tạo nguồn nhân lực có trình độ thạc sĩ toán với chi phí thấp nhất, định mức đầu tư cho một học viên của chương trình khoảng 60 triệu đồng do Chính phủ Pháp tài trợ. Tuy chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, nhưng mục tiêu lớn nhất là giới thiệu sinh viên Việt Nam cho các học bổng toàn phần làm tiến sĩ của các ĐH Pháp và các nước khác. Thường có hơn phân nửa sinh viên chương trình này nhận học bổng học tiếp tiến sĩ tại Pháp hoặc châu Âu. Chương trình đã tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành toán ứng dụng.
Theo ThS Võ Đức Cẩm Hải, được sự hỗ trợ rất lớn từ lãnh đạo ĐHQG TPHCM nên việc thực hiện chương trình diễn ra rất thuận lợi. Phía trường phối hợp chặt chẽ với các trường đối tác Pháp trên tinh thần đặt chất lượng đào tạo làm hàng đầu. Ưu điểm nổi bật của các chương trình đào tạo chính là quy trình giảng dạy, kiểm tra, đánh giá và cấp bằng đều do giảng viên các trường ĐH danh tiếng tại Pháp đảm nhận. Nhiều học viên của chương trình đã có những thành tích nổi bật trong nghiên cứu, trong số đó có thể kể đến như: GS Phan Thành Nam, Viện Toán học - ĐH LMU Munich (CHLB Đức), người Việt Nam đầu tiên được Hội Toán học châu Âu trao giải thưởng năm 2020; PGS-TS Nguyễn Thanh Bình, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) đoạt giải thưởng Quả cầu vàng năm 2021; GS Hồ Phạm Minh Nhật hiện là giáo sư bậc một về Khoa học dữ liệu, Thống kê và Học máy tại ĐH Texas - Austin (Mỹ)...
Cần chiến lược dài hơi
Là một trong những “trái ngọt” từ chương trình nói trên, GS Phan Thành Nam, Viện Toán học (ĐH LMU Munich) chia sẻ: Đây là một chương trình với chi phí tối thiểu và đem lại lợi ích tối đa. Tuy chương trình có học phí rất thấp nhưng sinh viên được tiếp cận một môi trường học tập chất lượng giáo dục rất cao. Ngoài việc được học trực tiếp với các giáo sư có uy tín từ Việt Nam và Pháp, các học viên xuất sắc còn có cơ hội được thực tập và làm việc tại các trường ĐH hàng đầu ở Pháp, qua đó rất nhiều bạn đã tiếp cận được các hướng nghiên cứu quan trọng và xin được học bổng tiến sĩ ở các trung tâm lớn trên thế giới. Cũng có nhiều bạn đã chuyển từ nghiên cứu hàn lâm sang làm việc trong các công ty cần ứng dụng toán học và rất thành công.
“Tôi nghĩ, để thu hẹp khoảng cách giữa Việt Nam và các nước châu Âu trong lĩnh vực toán ứng dụng đòi hỏi sự cộng tác chặt chẽ giữa chính phủ, trường ĐH, doanh nghiệp và cộng đồng nghiên cứu, với sự cam kết lâu dài và chiến lược toàn diện từ tất cả các bên liên quan”, GS Phan Thành Nam kiến nghị.
Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ tại Pháp, PGS-TS Nguyễn Thanh Bình, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TPHCM) quyết định về nước theo tiếng gọi của quê hương với kỳ vọng xây dựng nhóm nghiên cứu riêng ở Việt Nam, đồng thời trở thành cầu nối giúp nhiều sinh viên có thể tìm kiếm cơ hội học tập ở nước ngoài thông qua các chương trình thạc sĩ hay tiến sĩ. Gần 12 năm làm việc tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, PGS-TS Nguyễn Thanh Bình đã giúp được gần 30 sinh viên và học viên cao học nhận được các học bổng tiến sĩ tại các trường ĐH và các viện nghiên cứu uy tín tại nước ngoài. Nhiều học trò của anh đã bảo vệ xong luận án tiến sĩ và hiện đang công tác ở nước ngoài.
Từ kinh nghiệm học tập, nghiên cứu quốc tế, PGS-TS Nguyễn Thanh Bình kỳ vọng: Hiện tại các nhà toán học trẻ gặp không ít khó khăn để tìm kiếm các nguồn tài trợ nghiên cứu khoa học trong nước vì các quỹ nghiên cứu khoa học về toán không quá nhiều, mà tính cạnh tranh lại rất cao. Chính vì thế, rất mong muốn Chính phủ và các ban ngành xem xét tăng mức đầu tư cho các nghiên cứu khoa học cơ bản, tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ và các nhà nghiên cứu giỏi trong các lĩnh vực khác nhau của toán học có thể dễ dàng hơn trong việc xin các tài trợ nghiên cứu.