Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đơn vị đầu tiên triển khai chương trình Sữa học đường (SHĐ) đã thu được nhiều thành quả tốt đẹp. Cụ thể, số lượng học sinh mầm non đến trường ngày càng đông, luôn vượt chỉ tiêu, năm 2006 là 49.961 học sinh ra lớp, đến năm 2017 tăng lên 69.513 trẻ. Trong trường mầm non, 100% trẻ tăng cân, tăng chiều cao và trí tuệ phát triển tốt.
Đặc biệt, số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2006 là 25%, đến cuối năm 2016 chỉ còn 4,6%. Trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi năm 2012 là 10,6% thì đến cuối năm 2016 chỉ còn 2,8%…
Cô Huỳnh Thị Hảo, Hiệu trưởng trường Mầm non Phước Thạnh, Huyện Đất Đỏ, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ, hơn 10 năm qua, chương trình SHĐ đã thực hiện được nhiệm vụ của mình là góp phần làm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh trên địa bàn tỉnh, đồng thời giúp hỗ trợ tăng chiều cao của trẻ so với trước khi tham gia chương trình.
Tương tự, tại Bắc Ninh, sau khi triển khai SHĐ từ năm 2013 đến 2017, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở nhà trẻ đã giảm đến 5% từ 6,6% (năm 2013) chỉ còn 1,6% (năm 2017). Ở đối tượng trẻ mẫu giáo, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 4,6% xuống 1,6%, thể thấp còi giảm từ 4,2% xuống 2,8%. Trung bình tăng trưởng trong 4 năm về cân nặng là 1,4 – 1,5kg, về chiều cao là 2,3 – 2,4 cm. Riêng tỉnh Đồng Nai, trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 6,30% (2015) xuống 4,60% (2016); trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 7,20% (2015) xuống 5,20% (2016)…
Báo cáo của Viện Dinh dưỡng công bố gần đây cho thấy, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân đặc biệt là tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm nhanh và bền vững. Cụ thể, suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 30,1% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2016 tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,8%.
Tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A đã được chấm dứt. Tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu sắt và thiếu các vi chất dinh dưỡng khác ngày càng được cải thiện. Quan trọng hơn, kiến thức, thực hành dinh dưỡng đúng của người dân ngày càng được nâng cao…
Cô Nguyễn Thị Phúc, giáo viên Trường mẫu giáo Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, Bến Tre cho biết, chương trình SHĐ tại Bến Tre được triển khai từ năm 2017 với mức khởi đầu là mỗi học sinh uống 3 hộp sữa/tuần. Tham gia chương trình, phụ huynh chỉ phải đóng 75% giá thành của hộp sữa, phần còn lại là do Vinamilk, đơn vị cung cấp sữa hỗ trợ. Những học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo sẽ được địa phương và công ty hỗ trợ để các em được thụ hưởng chương trình SHĐ như các bạn khác mà không phải đóng phí. Tuy nhiên, thời gian đầu chỉ có khoảng 30% phụ huynh đăng ký cho con em mình tham gia chương trình nhưng sau một thời gian thì phụ huynh đã cảm nhận được sự hợp lý và tính ưu việt của chương trình nên số lượng hiện nay đã tăng lên hơn 80%.
Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, hiệu quả của chương trình SHĐ đã thấy rõ. Do vậy, trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với các cấp, các ngành liên quan để làm sao đạt tỷ lệ trên 90% học sinh tham gia chương trình SHĐ. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền để các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, tư thục biết tới chương trình này và tổ chức cho phụ huynh đăng ký tham gia để không ảnh hưởng đến quyền lợi của các cháu, quan tâm tới việc tiếp nhận, bảo quản sữa ở những cơ sở này để đảm bảo chất lượng.
Có thể thấy, chủ trương đúng đắn và hết sức nhân văn của Chính Phủ khi quyết định triển khai đề án SHĐ đã giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Ngoài ra, đây cũng là thành quả của sự phối hợp nghiêm túc cùng tinh thần trách nhiệm cao của chính quyền địa phương, nhà trường và các doanh nghiệp cung cấp sữa.