“Trái ngọt” cơ sở dữ liệu

Mới đây, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.

“Trái ngọt” cơ sở dữ liệu

Trong đó, Bộ Tư pháp đề xuất bãi bỏ quy định về việc nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi làm thủ tục đăng ký kết hôn. Thay vào đó, cơ quan làm thủ tục đăng ký kết hôn sẽ tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân từ hệ thống cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Để có được đề xuất trên, trước đó, Bộ Tư pháp đã triển khai thí điểm tại TPHCM và Hà Nội về thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến.

Từ 2 thủ tục riêng biệt đã được kết hợp thành 1 thủ tục, giảm việc đi lại, giảm thời gian giải quyết so với làm riêng lẻ từng thủ tục. Người thực hiện thủ tục hành chính không phải chứng minh tình trạng hôn nhân khi đăng ký kết hôn mà cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm kiểm tra, xác minh tình trạng hôn nhân của người yêu cầu đăng ký kết hôn.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ các yêu cầu nộp giấy tờ để kiểm tra mang lại thuận lợi lớn cho người dân. Sau thời gian xây dựng, thu thập, xử lý, đảm bảo cơ sở dữ liệu, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”, giờ đây, người dân đã được hưởng thành quả bước đầu. Khi tra cứu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ quan chức năng sẽ có được nhiều thông tin, trong đó có thông tin về tình trạng hôn nhân của người dân. Đây là cơ sở để đề xuất của Bộ Tư pháp và hoàn toàn khả thi.

Trong thời gian tới, với sự ngày càng dồi dào của cơ sở dữ liệu, không chỉ thủ tục hành chính được đơn giản hóa, mà các cơ quan chức năng còn có trong tay một công cụ phòng chống những hành vi giả mạo giấy tờ, ngăn ngừa lừa đảo.

Như mới đây, ngày 12-6, Sở Tư pháp TPHCM đã phối hợp với Sở TN-MT, Sở TT-TT, Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM phối hợp triển khai kết nối, chia sẻ, sử dụng thông tin giữa cơ sở dữ liệu công chứng và cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn thành phố.

Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu công chứng và dữ liệu địa chính có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên địa bàn TPHCM; đặc biệt là phòng chống giả mạo người, giả mạo giấy tờ trong hoạt động công chứng và đăng ký đất đai.

Có thể thấy, sau 3 năm triển khai Đề án 06 về ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, chúng ta đã hình thành một kho dữ liệu là tài nguyên lớn của quốc gia. Thành quả đó đang mang lại những “trái ngọt”, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Tin cùng chuyên mục