Trải nghiệm với sách về dịch Covid-19

Sau những đầu sách (gồm sách giấy và sách điện tử) nhằm cung cấp và phổ biến kiến thức phòng chống Covid-19, mới đây, một số đơn vị xuất bản trong nước đã và đang bắt tay thực hiện những đầu sách mang tính trải nghiệm sau thời gian chống chọi với dịch bệnh. 

Những trải nghiệm khó quên 

Bắt nguồn từ chính thực tại mà chúng ta đang trải qua trong đợt dịch Covid-19, Sống - Thương hiệu sách Tác giả Việt phối hợp cùng iPub xuất bản ebook Nhật ký mùa dịch với mong muốn ghi lại những câu chuyện người thật việc thật, do chính những người trong cuộc kể lại.

Họ là những người không may nhiễm virus SARS-CoV-2, là các y bác sĩ, du học sinh, công dân Việt trở về nước, các bậc phụ huynh, những người Việt sống ở vùng dịch…, như bác sĩ Phan Minh Phương, bác sĩ Trang Phương Trinh, nhà văn Trung Sỹ, siêu mẫu Võ Hoàng Yến, Đại tá - nhà báo Nguyễn Tuấn… Hiện sách đã thực hiện xong và đang được phát hành trên iPub.vn, chưa có kế hoạch phát hành phiên bản sách giấy. 

Mong muốn chia sẻ đến độc giả trải nghiệm của cá nhân từ đợt dịch Covid-19 và cúm A/H1N1 từ 11 năm trước, tác giả trẻ Dy Khoa bắt tay vào thực hiện cuốn sách Đi qua hai mùa dịch (NXB Văn hóa - Văn nghệ), dự kiến phát hành giữa tháng 5. Sách là ký ức đặc biệt khó quên trong đời của tác giả, ghi lại một chút những trải nghiệm vô tình anh đã trải qua. Chính từ những trải nghiệm khác biệt đó đã giúp một người trẻ như Dy Khoa có sự chuyển biến và nhạy cảm trước cuộc sống cũng như nhận thức xã hội, giúp anh nhìn thấy và thấu hiểu những giọt nước mắt rơi vì ảnh hưởng của dịch đến sinh kế... 

Trái ngược với 2 cuốn sách trên, tính đến nay, tiểu thuyết Những ngày cách ly (ảnh) của tác giả Bùi Quang Thắng do NXB Tổng hợp phát hành, là tác phẩm hư cấu duy nhất trong dòng sách về dịch Covid-19. Câu chuyện xoay quanh gia đình ông bà Trương và tiểu thư Hoàng Cúc. Họ phải đối mặt dịch bệnh và trải qua quãng thời gian vô cùng đặc biệt trong cuộc đời mình. Mỗi người một cách, họ đi qua những ngày khó khăn ấy theo những tâm thế khác nhau. Có người nhận ra rằng những giá trị vật chất mà một đời tôn thờ bỗng dưng vỡ tan tành trước một thử thách vô tiền khoáng hậu, như ông Trương hay chàng thanh niên Tony - Lê Vĩnh Phúc.

Trải nghiệm với sách về dịch Covid-19 ảnh 1

Theo chia sẻ của tác giả Bùi Quang Thắng, Những ngày cách ly là cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh dịch Covid-19, còn chủ đề chính nói về cách mà con người đối mặt với những thử thách trong cuộc sống. “Thể loại hư cấu giúp câu chuyện không bị hạn chế bởi những số liệu khô khan, cũng như chủ đề của cuốn sách sẽ được trình bày khúc chiết và khoáng đạt hơn. Tuy nhiên, với phương châm “văn học là cuộc sống”, tôi luôn tôn trọng bản chất của những sự việc nên mức độ hư cấu được đặt trong phạm vi thể hiện đúng đắn bản chất ấy”, tác giả cho biết.

Có gì để chờ đợi?

Khác với một số quốc gia, đặc biệt là ở châu Âu, tình hình dịch Covid-19 ở nước ta nhờ được kiểm soát tốt nên đang có những chuyển biến tích cực. Thêm vào đó, thời gian dịch bệnh nhanh như vậy, liệu những cuốn sách trên có gì để chờ đợi? Theo chị Nguyễn Hương, Giám đốc sản xuất của Sống, tên cuốn sách nói lên rất rõ thể loại của nó, đó là rất phù hợp với tình hình thực tế khi mà mỗi người, mỗi ngành nghề, lứa tuổi… chịu những tác động khác nhau của dịch bệnh. “Ngoài cách ghi chép thông thường, chúng tôi nhận được khá nhiều nhật ký dưới dạng đặc biệt, rất thú vị, như loạt nhật ký bằng tranh của kiến trúc sư Tăng Quang…”, chị Nguyễn Hương cho biết. 

Cũng theo chị Hương, cuốn sách còn có nhiều ghi chép từ người Việt ở các tâm dịch trên thế giới như Italy, Mỹ, Hàn Quốc… và ngược lại, có cả ghi chép của người nước ngoài ở Việt Nam trong thời gian này. Do vậy, cuốn sách hấp dẫn vì tái hiện đầy đủ bức tranh tình hình dịch bệnh ở Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia trên thế giới.

“Hơn nữa, chúng ta đều nhận thấy những thay đổi lớn và ảnh hưởng sâu sắc chưa từng có của tình hình dịch bệnh đến xã hội Việt Nam trong những tháng vừa qua. Điều này không chỉ có ý nghĩa phản ánh bức tranh hiện tại mà nó còn có giá trị lâu dài. Lịch sử rồi sẽ còn nhắc đến sự kiện này như một dấu ấn không thể quên và cuốn sách Nhật ký mùa dịch sẽ góp phần lưu lại những dấu ấn đó”, chị Nguyễn Hương nói thêm.

Còn tác giả Dy Khoa thì chia sẻ: “Cúm A/H1N1 diễn ra từ 11 năm trước, thời điểm ấy, tôi đã sốt rất cao và được yêu cầu nhập viện ngay lập tức. Sau đó là gần một tuần cách ly điều trị. Còn năm nay, tôi cũng như nhiều người khác rơi vào những trạng thái, cảm xúc khác nhau: bình thản, lo sợ rồi lạc quan, lại quay ngược lại lo sợ… Hay đúng hơn là sợ giảm, thậm chí mất thu nhập và hơn hết là ảnh hưởng đến sức khỏe bởi thế giới chưa tìm được thuốc điều trị đặc hiệu cho Covid-19. Ai cũng sẽ có những ký ức để nhớ. Nó đẹp đẽ hay xấu xí không quan trọng. Quan trọng là nó làm ta trưởng thành hơn”.

Không riêng gì những người trong giới văn chương, với bạn đọc, khi nghe thời gian hoàn thành tiểu thuyết Những ngày cách ly là 12 ngày đều không tránh khỏi cảm giác sửng sốt lẫn tò mò. “Khi đọc lại Những ngày cách ly lần cuối trước khi gửi bản thảo cho nhà xuất bản, tôi đã thấy được cái cảm giác trọn vẹn bởi mình đã nói được điều cần nói. Với tôi, đó là điều quan trọng nhất. Có những truyện ngắn khoảng 3.000 từ mà tôi bỏ dở từ năm trước qua năm sau. Vậy thì thời gian đâu phải yếu tố duy nhất quyết định việc cho ra đời một tác phẩm trọn vẹn?”, tác giả Bùi Quang Thắng bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục