Trải nghiệm với “Lớp học Google”

Năm học 2023-2024, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM đưa vào giảng dạy tiết học kỹ năng số, “Lớp học Google” nhằm trang bị cho học sinh năng lực sử dụng công cụ số. Sau gần một năm triển khai, lớp học số đã giúp đổi mới phương pháp dạy học, qua đó nâng cao hiệu quả tiếp thu kiến thức cho học sinh.

Trang bị kỹ năng số

Giờ học môn Lịch sử - Địa lý tại lớp 4/6, Trường Tiểu học Linh Chiểu (TP Thủ Đức) bắt đầu bằng trò chơi câu cá. Giáo viên sử dụng công cụ Google slide thiết kế màn hình máy tính thành một ao cá nhỏ với nhiều con cá rực rỡ sắc màu. Học sinh lần lượt bấm chọn con cá mình yêu thích, trả lời câu hỏi cất giấu bên trong con cá để được nhận điểm thưởng.

Đặng Thị Ánh Phúc, học sinh lớp 4/6, Trường Tiểu học Linh Chiểu, cho rằng, so với việc thụ động quan sát các hình ảnh trình chiếu trên bục giảng thì việc được tương tác, tham gia trò chơi hệ thống kiến thức giúp tiết học trở nên sinh động, học sinh hào hứng hơn.

Tương tự, Phạm Nguyễn Minh Phương, học sinh lớp 4/2, Trường Tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình), bày tỏ, hàng ngày em thường xuyên sử dụng Google tìm kiếm thông tin trên mạng nhưng chưa hiểu đầy đủ về các tính năng đi kèm như quay phim, chụp ảnh, chuyển đổi hình ảnh ra văn bản... Nhờ được thầy cô hướng dẫn, em có thêm công cụ phục vụ việc học tốt hơn.

Ở bậc học cao hơn, từ đầu năm học 2023-2024 đến nay, Trường THPT Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) triển khai tiết học “Lớp học Google” dành cho học sinh khối 10 và 11. Phạm Quỳnh Anh, học sinh lớp 10/1, Trường THPT Thủ Thiêm, chia sẻ: “Em tiếp cận với công nghệ thông tin nhiều năm nay, nhưng gần đây em mới biết một số tính năng của thanh công cụ Google. Vì thế, em rất hào hứng với môn học mới này. Môn học giúp em biết cách ứng dụng hiệu quả kiến thức đã học vào việc tìm kiếm tài liệu và học tập”.

A4a.jpg
Học sinh Trường THPT Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TPHCM) trong tiết học “Lớp học Google”

Theo thầy Phan Lâm Hiển, Tổ trưởng Tổ Tin học, Trường THPT Thủ Thiêm, với tiết học “Lớp học Google”, mỗi học sinh được trang bị một chormebook (máy tính xách tay dùng hệ điều hành Chrome OS của Google), sử dụng tài khoản riêng để đăng nhập thiết bị. Giáo viên sử dụng bộ học liệu số của Google giúp học sinh hình thành kỹ năng số thông qua các dự án, thực hiện nhiệm vụ học tập. Bên cạnh đó, học sinh được hướng dẫn cách quản lý thời gian biểu cá nhân, các biện pháp phòng tránh rủi ro khi sử dụng mạng internet, hiểu về khái niệm điện toán đám mây, lập trình và ứng dụng website…

Phát triển đồng bộ con người và thiết bị

Bà Tạ Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Linh Chiểu, cho hay, mô hình “Trường học số Google” cung cấp nền tảng không gian số nhằm đẩy mạnh sự tương tác giữa học sinh và giáo viên trên cơ sở an toàn, bảo mật thông tin, kiểm soát các nội dung và ứng dụng trên thiết bị điện tử, tiến đến việc tích hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc hỗ trợ các hoạt động dạy học cho học sinh. Để triển khai trường học số, nhà trường trang bị các thiết bị hiện đại như iPad, tivi thông minh, sách điện tử… thông qua chủ trương xã hội hóa.

Cùng quan điểm, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) Lê Duy Tân nhìn nhận, nếu không huy động các nguồn lực xã hội hóa, trường học rất khó thực hiện thành công đề án giáo dục thông minh. Trong đó, giáo dục thông minh không chỉ tập trung yếu tố trang thiết bị hiện đại mà còn cần quan tâm yếu tố con người, hướng đến các mục tiêu phát triển kỹ năng, kiến thức và thái độ cho người học.

Nơi nào thừa điều kiện về trang thiết bị hiện đại nhưng không có chương trình, mục tiêu giáo dục phù hợp thì sẽ là một sự lãng phí lớn. Ngược lại, đơn vị có chương trình học, ý chí quyết tâm thực hiện đổi mới nhưng thiếu điều kiện về trang thiết bị cũng trở thành vô nghĩa. Như vậy, để thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số, điều kiện về con người và trang thiết bị phải đi kèm nhau, thiếu một trong hai yếu tố sẽ khó đạt hiệu quả như mong đợi.

Hiện nay, Sở GD-ĐT TPHCM đang lấy ý kiến các sở, ngành về dự thảo danh mục trang thiết bị chuyên dùng để bổ sung cho bộ tiêu chí xây dựng trường học thông minh, phòng thực hành thí nghiệm thông minh, thư viện thông minh.

Ngành giáo dục và đào tạo đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn thành phố có 50 “Trường học số” nhân dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025). Việc xây dựng trường học số gắn liền với kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trong dạy học và quản trị nhà trường trong giai đoạn 2021-2025.

Riêng đối với bậc tiểu học, TPHCM đang thí điểm triển khai kỹ năng công dân số tại 44 trường học trên địa bàn TP Thủ Đức và 21 quận, huyện trước khi triển khai đại trà vào năm học 2024-2025. Để thực hiện các mục tiêu đó, chỉ quyết tâm cao độ của đội ngũ lãnh đạo cơ sở giáo dục thôi chưa đủ, mà còn cần nhận thức tiến bộ, tư duy sẵn sàng thay đổi của tập thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong nhà trường, kết hợp với sự đồng thuận, ủng hộ của cha mẹ học sinh.

Theo ông Đỗ Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc AI Education, hiện nhiều ngành nghề, đặc biệt là các ngành kinh tế số đòi hỏi cao về kỹ năng hợp tác, năng lực số. Do đó, học sinh cần được trang bị các kỹ năng này từ sớm để thuận lợi hơn trong việc học tập và định hướng nghề nghiệp sau này. Tuy nhiên, dạy học với công nghệ số hiện nay trong các trường học vẫn còn rời rạc, chưa đồng bộ ở nhiều nơi.

Tin cùng chuyên mục