Hệ lụy
Xóm trọ của chị T. tại làng đại học Thủ Đức có chừng 10 phòng trọ thì có đến 3 - 4 phòng là của những cặp sinh viên “sống thử”.
Sau thời gian ngắn quen nhau, T.N.H. (20 tuổi) và L.V.T. (21 tuổi) - sinh viên một trường đại học tại làng đại học Thủ Đức - dọn về đây chung sống như vợ chồng. Tới một ngày, khi thấy cơ thể có quá nhiều dấu hiệu khác lạ, H. mới đi mua que thử thai về và bàng hoàng với kết quả 2 vạch. Quá sợ hãi, H. nói cho người yêu biết chuyện. T. hốt hoảng khuyên H. nên bỏ cái thai vì cả hai còn quá trẻ, học hành chưa xong, sinh con rất khó khăn và sợ nhất là gia đình phản đối, người ngoài biết chuyện sẽ xấu hổ.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, Bệnh viện Hùng Vương tiếp nhận khoảng 728 sản phụ trong độ tuổi vị thành niên, trong đó có khoảng 225 trường hợp phá thai. |
Trong quan niệm của nhiều bạn trẻ, chuyện vội vàng chung sống với nhau còn là thái độ phản kháng trước sự cấm cản của gia đình. T.K.L. (17 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế) lớn lên trong một gia đình nề nếp, vậy mà từ ngày lên lớp 12, khi có người yêu, L. thay đổi. Gia đình ngăn cấm, L. bỏ nhà vào TPHCM theo người yêu - là sinh viên - rồi sống như vợ chồng. Con gái đột ngột mất tích, cả nhà nháo nhào đi tìm. Nhờ bạn bè của con, ba mẹ L. biết tung tích, tìm đến xóm trọ để đưa về, nhưng L. nằng nặc không chịu về với lý do: “Con yêu anh ấy. Con lỡ có thai rồi”. Gia đình L. phải thuyết phục con về nhà. L. từ đó cũng bỏ học và trở thành bà mẹ nhí khi chỉ mới 17 tuổi.
Nguy cơ tổn thương
Yêu vội vàng, bất chấp ở người trẻ thường đi cùng với suy nghĩ “yêu tới bến”, sẵn sàng đi nhà nghỉ hay dọn về trọ cùng nhau. Thậm chí quan hệ tình dục bất cứ ở đâu, quán nước, rạp chiếu phim, công viên, phòng trọ, thậm chí ở… nhà vệ sinh của trường. Nhẹ dạ, thiếu kinh nghiệm sống, thiếu kiến thức tránh thai an toàn, trong khi thừa sức yêu, nên không ít cô gái trẻ nhanh chóng trao thân gửi phận cho những người tình thiếu tin cậy, để rồi nhận lại cái kết đắng. Việc nữ sinh viên, học sinh làm mẹ khi còn trên ghế nhà trường đã không còn hiếm. Tình trạng nạo phá thai khi còn ở độ tuổi vị thành niên hiện nay thường bắt nguồn từ những tình yêu kiểu này.
Bác sĩ Đặng Ngọc Yến Dung phân tích: “So với người trưởng thành, trẻ vị thành niên có khuynh hướng quyết định phá thai do áp lực của cha mẹ hoặc bạn tình, nên có nguy cơ bị chấn động tâm lý sau khi bỏ thai. Trẻ vị thành niên thường đối diện với cảm giác tội lỗi và sợ hãi việc phá thai, dẫn đến những đau đớn nặng nề khi trải qua việc này. Đã có nghiên cứu ghi nhận trẻ vị thành niên dễ bị ác mộng nghiêm trọng, hoang tưởng, loạn thần sau phá thai. Phá thai ở trẻ vị thành niên có nguy cơ tổn thương cổ tử cung gấp 2 lần do nong nạo cổ tử cung trong quá trình hút thai; bị nhiễm khuẩn sau phá thai như viêm nhiễm vùng chậu, viêm nội mạc tử cung; dễ nhiễm khuẩn - do cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh nên không tạo được chất bảo vệ có trong chất nhầy cổ tử cung. Các em cũng dễ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, bị vô sinh, thai ngoài tử cung và các bệnh phụ khoa khác. Giữ thai hay phá thai ở lứa tuổi vị thành niên đều có nhiều ảnh hưởng về tâm lý và thể chất. Do đó, nếu vì lý do gì đó lỡ mang thai, các em cần tham khảo ý kiến của phụ huynh, người thân trong gia đình. Ngoài ra, việc quyết định về thai kỳ nên được sự tư vấn của nhân viên y tế, giúp các em có sự chuẩn bị về tâm lý và thể chất để chuẩn bị làm mẹ hoặc nhận được dịch vụ phá thai an toàn”.
Yêu sớm, nhiều bạn trẻ chưa nhận thức sâu sắc được về tình yêu cũng như chưa có sự phát triển hoàn thiện về tâm sinh lý. Không có thể cấm cản người trẻ sống thoáng, cũng không thể nào bắt ép các bạn trẻ phải ngây thơ không biết gì về tình dục, nhưng đã yêu thì hãy sống có trách nhiệm với tương lai của chính mình và gia đình.