Giảm giá, giải phóng hàng tồn
Phân khúc giảm giá tập trung chủ yếu ở các dòng xe lắp ráp trong nước hoặc mới gia nhập thị trường, có doanh số thấp trong thời gian qua. Cụ thể, GM Việt Nam tiếp tục giảm giá mạnh, từ 30 - 80 triệu đồng/xe, áp dụng cho khách hàng mua xe Chevrolet từ ngày 1 đến 30-11. Trong đó, mẫu xe được ưu đãi cao nhất trong tháng này là mẫu xe hạng B Chevrolet Aveo. Cả 2 phiên bản Aveo LT và LTZ đang phân phối tại Việt Nam đều được ưu đãi 80 triệu đồng, giúp giá xe về mức khởi điểm từ 379 triệu đồng.
Còn mẫu xe nhận được ưu đãi thấp nhất trong đợt này là mẫu bán tải nhập khẩu Colorado khi chỉ được mức giảm giá bán từ 10 - 30 triệu đồng. Giá bán lẻ thấp nhất của mẫu bán tải này hiện ở mức 594 triệu đồng. Tương tự, trong tháng 11 này, Mitsubishi Việt Nam tiếp tục thực hiện chương trình ưu đãi giảm giá bán đối với nhiều mẫu xe. Trong đó, giảm nhiều nhất là mẫu crossover Mitsubishi Outlander phiên bản 2.0 CVT, giảm giá từ 823 triệu đồng xuống mức 807,5 triệu đồng; phiên bản 2.0 CVT Premium giảm từ 942 triệu đồng xuống 908,5 triệu đồng; phiên bản 2.4 CVT Premium từ mức 1,1 tỷ đồng xuống mức gần 1,05 tỷ đồng.
“Bước vào những tháng cuối cùng trong năm 2018, nhiều hãng xe đều muốn tận dụng thời gian này đẩy mạnh việc ưu đãi, giảm giá để tăng sức hút với khách hàng, nâng cao doanh số. Điều này cho thấy, càng về cuối năm, cuộc chiến về giá trên thị trường ô tô sẽ càng trở nên khốc liệt. Tuy nhiên, chỉ những hãng xe lắp ráp của tư nhân trong nước, mới gia nhập thị trường, bị “ế”. Đây cũng là hình thức đẩy hàng tồn, xe bản cũ để chờ ra phiên bản mới đầu năm, vừa cũng là bước đi, chiến lược để gia nhập thị trường, chào hàng đối với người tiêu dùng của các dòng xe mới”, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Hoàng Thành (quận 12), giải thích.
Khan hiếm dòng xe nhập khẩu “ăn khách”
Trái với “kịch bản” giảm giá, khuyến mại nêu trên, nhiều mẫu xe dù được hưởng thuế nhập khẩu 0% từ các quốc gia trong nội khối ASEAN (như Thái Lan, Indonesia) vào Việt Nam từ đầu năm đến nay của đối tác nhập khẩu, liên doanh lại không hề giảm giá, nhiều dòng xe còn bị tăng giá bán, phải đợi qua tết mới nhận xe. Đáng chú ý, số lượng xe nhập khẩu hiện ngày càng tăng, đến nay trung bình mỗi tuần có từ 1.500 - 3.000 xe nhập khẩu về nước, nhưng so với các năm trước vẫn thấp hơn nhiều. Điều này càng khiến nguồn cung không đáp ứng đủ cầu vào thời điểm cuối năm.
Cụ thể, dòng xe của liên doanh Toyota Việt Nam là Innova thế hệ mới được bổ sung thêm một số công nghệ mới (tương tự với Vios trong tháng 8-2018) đã tăng giá bán thêm 40 triệu đồng. Hay dòng xe đang có doanh số rất cao trên thị trường là Fortuner, dù được nhập từ Indonesia hưởng thuế 0%, nhưng không được giảm giá. Nhiều đại lý vào thời điểm cuối năm còn yêu cầu khách hàng phải đặt cọc, trả thêm tiền khoảng 150 triệu đồng “đồ chơi” kèm theo nếu muốn nhận xe sớm. 3 mẫu xe nhập khẩu của Toyota là Wigo, Rush và Avanza (ra mắt ngày 25-9-2018) hiện cũng có nhiều khách hàng chờ đợi, nhất là với mẫu Rush.
Các đại lý Toyota ở Hà Nội lẫn TPHCM tiết lộ, số lượng khách hàng đặt xe chờ lấy đã tới tháng 12-2018. Nhiều khả năng, nếu xe về không đủ, khách hàng sẽ phải đợi tới đầu năm 2019 để nhận xe. Các đại lý của Honda Việt Nam cũng thông báo, khách hàng mua mẫu CR-V bản L đặt trước ngày 10-9 thì mới được nhận xe trước Tết Nguyên đán, còn lại sẽ phải nhận xe sau tết.
Mới đây, trả lời câu hỏi của báo giới về việc tại sao Toyota được hưởng thuế suất 0% từ năm 2018 đối với xe nhập khẩu từ Indonesia Fortuner nhưng giá dòng xe này không giảm, ông Shinjiro Kajikawa, Phó Giám đốc khối hoạch định chiến lược Toyota Việt Nam, khẳng định: “Về giá thì khó phân tích. Giá xe hiện có nhiều yếu tố tác động như thuế, phí…, do đó giá xe trên thị trường do doanh nghiệp tính toán để quy định mức giá hợp lý”. Trong khi đó, giới chuyên gia kinh tế cho rằng đang có hiện tượng các công ty và đại lý ủy quyền bán ô tô “bắt tay” nhau giữ giá, đặc biệt vào dịp cận tết.
Bên cạnh đó, cũng không loại trừ yếu tố các hãng ô tô đang làm ăn tốt với những dòng xe sản xuất trong nước do hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện từ Nghị định 125 nên không vội vàng tung ra xe nhập khẩu, dẫn tới việc xe nhập khan hàng.
“Một lý do nữa có thể đẩy giá xe tăng là là tỷ giá giữa USD và VND biến động. Từ nay tới cuối năm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ tăng thêm lãi suất USD. Nếu lãi suất USD tăng thì tỷ giá so với VND sẽ tăng và trong bối cảnh xe đang khan hiếm, các doanh nghiệp sẽ lấy cớ để tiếp tục đẩy giá lên cao hơn”, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, đưa ra nhận định.