Trái chiều quan điểm đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp
SGGPO
Sáng nay, 21-5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Vấn đề còn ý kiến khác nhau vẫn là việc nên hay không nên đưa hộ kinh doanh vào luật.
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vấn đề này, có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vì các lý do như: nội dung quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo luật dựa trên cơ sở luật hóa tối đa các quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp; Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 và năm 2014 đã có điều khoản quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết, vì vậy, xét về bản chất thì việc quy định một chương về hộ kinh doanh trong dự thảo luật chỉ là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định chung đã có về hộ kinh doanh; việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo luật sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các Đại biểu Quốc hội TPHCM sáng 21-5. Ảnh: VIỆT DŨNG
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh. Lý do thứ nhất xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi luật, chứ không thể quy định bằng nghị định. Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật là không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp. Lý do thứ hai là hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Những quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo luật chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh; mặt khác có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, dự thảo chưa có quy định tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho hộ kinh doanh, cũng như các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh. Vì vậy, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo luật dẫn đến phải mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới. Lý do thứ ba là số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn. Vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất điều chỉnh và áp dụng cho chủ thể hộ kinh doanh, tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh.
Với các ý kiến và lý do được nêu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất lựa chọn loại ý kiến thứ hai.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV sáng 21-5. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thảo luận trực tuyến về nội dung này, các ý kiến cũng có sự phân hóa rõ trong vấn đề hộ kinh doanh. Các đại biểu (ĐB) Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu), Mai Hồng Hải (Hải Phòng) đồng tình với loại ý kiến thứ hai. Theo ĐB Trần Văn Tiến, số hộ kinh doanh gấp 5-6 lần doanh nghiệp và cách thức hoạt động khác với doanh nghiệp, do đó, không nên đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật mà nên xem xét ban hành luật riêng. Đồng tình với việc không đưa hộ kinh doanh vào luật, ĐB Dương Minh Tuấn phân tích, với hơn 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó trên 3,5 triệu được cấp mã số thuế. Do vậy, rất cần thiết nâng việc quản lý hộ kinh doanh từ nghị định lên thành luật để có địa vị pháp lý cao hơn. Tuy nhiên, hộ kinh doanh có nhiều khác biệt, kinh doanh gia đình, quy mô nhỏ, vì vậy nên tách thành luật riêng sẽ có các quy định chặt chẽ hơn.
Ở quan điểm ngược lại, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) đồng tình bổ sung hộ kinh doanh vào luật như trong giải trình. Chúng ta đã sửa nhiều lần Luật Doanh nghiệp và tất cả các lần sửa đổi đều có quy định về hộ kinh doanh. Việc luật hóa và có chương riêng là cần thiết vì bản chất lâu nay đã quy định. ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng đồng tình và cho rằng, việc này là cần thiết để đảm bảo bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh. Các Luật Doanh nghiệp trước đây đều có quy định giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề hộ kinh doanh. Việc bổ sung lần này là cụ thể hóa, chính danh hóa, luật hóa để hộ kinh doanh có thể đóng góp tích cực hơn vào nền kinh tế và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Tuy nhiên, ĐB Lâm cũng nhìn nhận, dự thảo chưa đưa ra các chính sách cởi mở với hộ kinh doanh như xã hội kỳ vọng; chưa có chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; các chính sách thuế, đất đai cũng đang khiến hộ kinh doanh ngần ngại chuyển đổi.