Theo đó, tổng diện tích sản xuất cây ăn quả tại các huyện: Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng… tham gia đề án đạt khoảng 5.357ha, chủ yếu là mít đạt 2.618ha, sầu riêng 519ha, xoài 220ha và 2.000ha gồm các loại cây khác như dứa, chanh, bưởi, mãng cầu.
Đến nay, vùng nguyên liệu của đề án đã được cấp 26 mã số vùng trồng, với tổng diện tích 477,01ha. Các địa phương đã xây dựng và phát triển được 2 chuỗi liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp. Đồng thời, 5 hợp tác xã và trang trại trồng các loại cây ăn quả như mít, bưởi, sầu riêng, chanh đã được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, những kết quả đã đạt của đề án cho thấy tiềm năng lớn của vùng Đồng Tháp Mười trong việc phát triển sản xuất cây ăn quả, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống người dân. Hiện các địa phương cũng đã và đang đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và chế biến.