Trong khi đó, thị trường không có đầu ra. Các loại cam sành Vĩnh Long, Hà Giang, Tuyên Quang… chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa và chỉ dùng để vắt nước (sử dụng trái tươi) chứ ít được thu mua để chế biến, trong khi miền Bắc lại đang là mùa lạnh nên người dân ít sử dụng. “Cam không xuất khẩu được và khó chế biến, bà con chủ yếu trông đợi thương lái mua đem ra chợ bán tươi”, ông Nguyễn Như Cường cho biết.
Đề cập giải pháp, ông Nguyễn Như Cường cho rằng, quan trọng nhất là phải điều chỉnh lại quy hoạch cây có múi. Lâu nay, báo chí và mạng xã hội chỉ tập trung đưa thông tin làm giàu từ cam, đổi đời nhờ cam, cây tỷ đồng… mà không phản ánh rõ những khó khăn, mặt trái của loại cây này. Điều đó đã khiến nông dân đổ xô trồng cam cũng như các loại cây có múi.
Tại nhiều địa phương, diện tích thực tế trồng cam và cây có múi đã vượt quá xa so với quy hoạch. Chẳng hạn, tại tỉnh Vĩnh Long, quy hoạch trồng cam chỉ có 12.000ha nhưng hiện đã lên tới 17.000ha. Còn tại Hà Nội, từ 2.000ha diện tích trồng cây có múi, đến nay đã mở rộng ra 10.000ha (chiếm 50% tổng diện tích cây ăn trái). Tính chung ở khu vực miền Bắc, diện tích cây ăn trái đang tăng theo cấp số nhân (hiện tại đã lên tới 125.000ha) mà vẫn chưa dừng lại. Nhiều nơi, bà con liên tục điệp khúc “trồng - chặt”. Tại vựa cam Cao Phong (Hòa Bình), sau 2-3 năm, diện tích cam giảm gần nửa khi hàng ngàn hécta đã bị nhổ bỏ chuyển sang trồng loại cây khác.