Ngày 27-10, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM tổ chức Hội thảo quốc tế trao đổi thông tin các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu rau quả Việt Nam - Trung Quốc.
Theo Cục Trồng trọt, hiện nay, diện tích trồng cây bơ đang tăng gấp nhiều lần so với 3 năm trước. Đây là cây công nghiệp dài ngày, trồng 3 năm mới thu hoạch và thu hoạch trong nhiều năm nên các địa phương phải có định hướng, không thể phát triển ồ ạt. Bên cạnh đó, giống bơ của Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn như kích thước, chất lượng... để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU. Đối với thị trường Trung Quốc, cây bơ chưa nằm trong lộ trình đàm phán mở cửa xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp, địa phương, nông dân cần phải tìm hiểu kỹ trước khi phát triển cây bơ.
Theo Bộ NN-PTNT, từ đầu năm đến hết tháng 9-2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 9,8 tỷ USD giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc đều suy giảm, cụ thể là hàng rau quả đạt 1,4 tỷ USD giảm 25,9%. Hiện nay, chỉ có 9 loại trái cây tươi của Việt Nam được phép nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt. Ngoài sầu riêng đang trong quá trình hoàn thành thủ tục, Bộ NN-PTNT tiếp tục thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường theo thứ tự ưu tiên: bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa; đồng thời ký kết Nghị định thư mở cửa thị trường thạch đen, khoai lang.
Đối với tình hình cấp mã số đối với thị trường Trung Quốc, theo Cục Bảo vệ thực vật đã có 47 tỉnh gửi văn bản đề nghị với 1.735 mã số vùng trồng, diện tích trên 180.000 ha cho 9 loại quả tươi và 1.832 mã số cơ sở đóng gói. Trong đó, khu vực ĐBSCL có 628 mã vùng trồng và 924 cơ sở đóng gói phục xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.