Trách nhiệm với cộng đồng trong phòng dịch

Cách ly những người có nguy cơ mắc Covid-19 là việc cấp bách nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Hiện có 2 hình thức cách ly: cách ly tập trung và cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú. Quan tâm việc này, nhiều người dân đã gửi mail về Báo SGGP, nhấn mạnh: Tuân thủ việc cách ly y tế là thể hiện trách nhiệm với cộng đồng trong việc phòng dịch.

Đừng hoang mang việc cách ly y tế

Để phòng dịch Covid-19 lây lan, nhiều người đang được cách ly tập trung 14 ngày. Hiện các nước trên thế giới cũng đang phải làm như vậy, vì sự an toàn của cộng đồng.

Dù ngân sách khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng Nhà nước vẫn rất cố gắng để chăm sóc chu đáo những người đang được cách ly. Thế nhưng, nhiều người có con em đang cách ly tập trung vẫn rất lo lắng. Có lẽ sự lo lắng xuất phát từ chữ “cách ly”.

Xét về bản chất, việc thực hiện cách ly chỉ là việc không sống tại nhà, mà vào sống tại một khu vực hạn chế tiếp xúc với bên ngoài, không thực hiện những hoạt động theo thói quen thường ngày, như không đi chơi, không gặp gỡ bạn bè, không đi làm việc… mà thôi.

Trách nhiệm với cộng đồng trong phòng dịch ảnh 1 Các chiến sĩ bộ đội vì dân phục vụ tại khu cách ly phía trong Trường Quân sự Quân khu 7, quận 12, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Những ai đã từng hoặc đang học cao đẳng - đại học ở Việt Nam đều đã từng cách ly tập trung trong vòng 3 tuần, tức kéo dài đến 18 ngày chứ không chỉ là 14 ngày.

Trong quá trình học môn giáo dục quốc phòng, các sinh viên cũng ở nội trú, chỉ tham gia sinh hoạt tại nơi tổ chức khóa học, chứ không được phép ra ngoài, mà cũng không có gì phải lo lắng.

Thực ra, cách ly y tế cũng là khoảng thời gian tốt để con người đánh giá và rèn luyện “chỉ số vượt khó” (Adversity Quotient) của bản thân. Chỉ số vượt khó chỉ khả năng vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, bất hạnh, lao đao… trong cuộc đời của mỗi con người.

Việc thực hiện cách ly nhằm ngăn ngừa dịch bệnh đương nhiên đặt ra cho mỗi con người những khó khăn. Tất cả những cái khó này là một bài toán, những ai có chỉ số vượt khó cao thì sẽ nhìn thấy ở đó những cơ hội mà lúc bình thường không nhận ra được. 

LÊ MINH TIẾN (giảng viên Đại học Mở TPHCM)

Hoàn toàn thích nghi được

Khi thấy các xe chở hàng nườm nượp đến ký túc xá Đại học Quốc gia ở Thủ Đức (TPHCM) để phục vụ khu cách ly tập trung tại đây, và tận mắt chứng kiến hình ảnh anh em công an, dân phòng vất vả thức trắng đêm ngày để tất bật dọn vệ sinh, chăm lo 3 bữa ăn (miễn phí) hàng ngày với đầy đủ chất dinh dưỡng cho những người đang thực hiện cách ly, tôi đã thật cảm kích, xúc động.

Khi trò chuyện qua điện thoại với con trai, tôi thật an lòng khi nghe con nói: “Mẹ đừng lo lắng nghen, con ở đây đầy đủ, không thiếu gì đâu!”. Mặc dù tôi rất nóng lòng trông mong gặp lại con sau bao nhiêu ngày con du học xa cách, nhưng tôi cũng vui vì nhận thức việc con đi cách ly tập trung là cần thiết, là trách nhiệm với cộng đồng. Do vậy, tôi căn dặn con tuân thủ đúng nội quy ở khu cách ly tập trung, giữ gìn sức khỏe thật tốt. 

Kỳ nghỉ hè năm ngoái, con tôi có về Việt Nam thăm gia đình và đi dự khóa tu mùa hè ở chùa cũng 14 ngày, trở về khỏe mạnh. Thế nên, tôi tin 14 ngày cách ly y tế không phải là khó khăn không thích nghi được. Xin chân thành cảm ơn các y bác sĩ và các cán bộ, nhân viên đang trên tuyến đầu chống dịch, vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

THÂN THANH THANH (quận Tân Bình, TPHCM)

Không gây khó khăn cho đội ngũ chống dịch

Để phòng tránh lây nhiễm chéo ở các khu cách ly y tế, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngưng việc nhận hàng hóa các gia đình tiếp tế cho người thân trong khu cách ly tập trung.

Đó là việc cần thiết, vừa hạn chế tụ tập gây nguy cơ lây nhiễm, vừa phòng tránh cho người đang tập trung ăn phải thực phẩm tiếp tế không an toàn vệ sinh phòng dịch, vừa không làm phiền đội ngũ chống dịch đang công tác tại các khu cách ly y tế, khi mà họ có quá nhiều việc khác cần làm hơn.

Chia sẻ gánh nặng với Tổ quốc đôi khi đơn giản chỉ là nhịn miệng đi một chút, bớt đòi hỏi đi một chút. Thân nhân những người đang trong diện cách ly hãy giảm tải cho cán bộ phục vụ, và hiểu rằng, trong 14 ngày thực hiện cách ly, người thân của mình vẫn được chăm sóc chu đáo. 

Để đem lại an toàn cho cộng đồng, cho chính người được cách ly, bao người đã và đang chấp nhận khó khăn, nguy hiểm. Tất cả chúng ta tự hào và biết ơn những người hy sinh thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Bữa cơm đựng trong hộp xốp, ăn vội góc hành lang, giấc ngủ không tròn, có người cả tháng chưa về nhà. Dù ở các lực lượng, ngành nghề khác nhau nhưng họ đều là những người xung kích trên tuyến đầu chống dịch.

Chỉ trong cơn hoạn nạn như thế này, người ta mới nhận ra một thang giá trị khác, không đo bằng tiền, không đo bằng độ giàu nghèo, mà đo bằng tình thương yêu con người, đo bằng trách nhiệm trước cộng đồng.

Việt Nam còn nghèo, còn thiếu những thiết bị y tế hiện đại, nhưng Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã và đang làm, làm một cách vô tư, thiện tâm, nhân hậu để cứu người trong dịch Covid-19, bất kể họ là ai.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam luôn nỗ lực hết sức để thực hiện các biện pháp cần thiết, lo cho bà con về nước tránh dịch một cách tốt nhất có thể.

Vì thế, hiện nay, cách thể hiện ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng và đất nước chính là chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch, dặn dò nhau hãy làm theo khuyến cáo của cơ quan chức năng để cùng vượt qua nạn dịch.

TƯƠNG QUAN (quận 7, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục