Trách nhiệm vì hành tinh xanh

Trong khuôn khổ khóa họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc (ĐHĐ LHQ) lần thứ 70 vừa qua, 193 quốc gia thành viên ĐHĐ LHQ đã thông qua Chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030 gồm 17 mục tiêu tập trung vào chấm dứt đói nghèo, chống bất bình đẳng và chống biến đổi khí hậu trong 15 năm tới.

Trong khuôn khổ khóa họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc (ĐHĐ LHQ) lần thứ 70 vừa qua, 193 quốc gia thành viên ĐHĐ LHQ đã thông qua Chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030 gồm 17 mục tiêu tập trung vào chấm dứt đói nghèo, chống bất bình đẳng và chống biến đổi khí hậu trong 15 năm tới.

SDGs thay thế cho kế hoạch hành động Các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) sẽ kết thúc vào năm nay. 15 năm qua, MDGs đã đem lại những thành công nhất định, được nhiều tổ chức, các nhà hoạt động xã hội đánh giá cao. Một trong những mục tiêu của MDGs là giảm số người nghèo cùng cực (có mức thu nhập dưới 1,25 USD/ngày) ở mức cao năm 1990. Trong 25 năm qua, từ mức chiếm 47% dân số thế giới, số người nghèo cùng cực đã giảm xuống 14%. Mục tiêu giảm một nửa dân số thế giới không được tiếp cận với các nguồn nước sạch thậm chí còn hoàn thành trước thời hạn 5 năm. Các chỉ tiêu chưa kịp hoàn thành đúng thời hạn nhưng cũng đạt được bước tiến ấn tượng.

Để phát huy thành công của MDGs, 2 năm qua, LHQ đã làm việc tích cực để cho ra đời kế hoạch SDGs với kỳ vọng thế giới sẽ tốt đẹp hơn trong 15 năm tới. Tuy nhiên, không ít người quan ngại về SDGs. Tăng trưởng kinh tế luôn là yếu tố quan trọng để chấm dứt đói nghèo. Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, dù kinh tế thế giới có lập lại được mức tăng trưởng như 15 năm trước, từ nay đến năm 2030, vẫn có từ 6% - 7% dân số thế giới sống ở mức nghèo cùng cực. “Với mức tăng trưởng hiện nay, quả thật có quá nhiều điều để lo lắng”, ông Jim Yong Kim nói.

Nhưng từ kinh nghiệm giảm đói nghèo thành công trong vài thập kỷ ở Việt Nam và Trung Quốc, nhiều người tin tưởng rằng chỉ cần các quốc gia trên thế giới đưa xóa đói giảm nghèo trở thành một trong những trọng tâm của phát triển đất nước, mục tiêu về chấm dứt đói nghèo của SDGs trong 15 năm tới nhiều khả năng lại đạt được như MDGs. Tương tự với mục tiêu chống bất bình đẳng. Trang web Eurasiareview đã gọi bài diễn văn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại ĐHĐ LHQ hôm 25-9 vừa qua là: Câu chuyện thành công của Việt Nam. Tại Hội nghị lãnh đạo toàn cầu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ngày 27-9, một lần nữa, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh Việt Nam luôn coi thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ là ưu tiên hàng đầu và cam kết sẽ ưu tiên mọi nguồn lực cần thiết từ nay đến năm 2030 thu hẹp khoảng cách về giới trên mọi lĩnh vực.

Và chống biến đổi khí hậu cũng sẽ đạt được những thành quả nhất định khi mỗi quốc gia trên thế giới đều xem bảo vệ Trái đất là mục tiêu ưu tiên để hành động. SDGs không phải là một cam kết mà là một lời giục giã, kêu gọi trách nhiệm của các quốc gia chung tay hành động vì loài người, vì hành tinh xanh.

ĐỖ VĂN

Tin cùng chuyên mục