Trách nhiệm thuộc về ai?

Một phụ nữ vừa tử vong sau khi phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện 1A (TPHCM). Trước đó, cuối năm 2021, trên địa bàn TPHCM cũng xảy ra 2 vụ tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ, cả 2 bệnh nhân cũng được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu nhưng đều không qua khỏi. Sau những vụ việc thương tâm, câu hỏi “Ai sẽ phải chịu trách nhiệm?” được đặt ra, song những câu trả lời như được mặc định sẵn, thậm chí trôi vào quên lãng, không thể làm an lòng dư luận.

Theo báo cáo của Bệnh viện 1A (TPHCM) - nơi xảy ra vụ tai biến y khoa sau phẫu thuật nâng ngực khiến một nữ bệnh nhân tử vong mới đây, toàn bộ quy trình thăm khám và thực hiện phẫu thuật cho người bệnh được thực hiện đúng quy trình của bệnh viện. 

Quá trình phẫu thuật nâng ngực được thực hiện bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề và có hợp đồng lao động với bệnh viện. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân bị ngưng tuần hoàn hô hấp và được xử trí hồi sức tích cực theo đúng quy trình. Theo các chuyên gia y tế, trong các tai biến của phẫu thuật thẩm mỹ, nguy hại nhất là các tai biến cấp tính vì các tai biến này có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng cho bệnh nhân, trong đó đứng đầu là sốc phản vệ. Sốc phản vệ tại cơ sở thẩm mỹ có nhiều nguyên nhân, hàng đầu là sốc do dị ứng với thuốc gây mê, rất dễ dẫn đến tử vong nếu không xử trí nhanh, kịp thời.

Trước nhu cầu của người dân và lợi nhuận “khủng” từ việc làm đẹp, nhiều cơ sở đã quảng cáo “rót mật vào tai khách hàng”. Nhiều người đặt niềm tin nhầm địa chỉ nên đã trả giá đắt, trở thành nạn nhân của những ca phẫu thuật xẻ mí, hút mỡ, nâng ngực, xăm mắt… không thành công. Những cái chết trên bàn mổ để làm đẹp phần nào cho thấy ngay cả cơ sở được cấp phép, bác sĩ có đủ chứng chỉ hành nghề cũng không hẳn đã an toàn.

Đáng chú ý hơn, nhiều cơ sở thẩm mỹ gây tai biến, tử vong cho người bệnh, sau một thời gian bị báo chí lên án lại rơi vào quên lãng, không một cơ sở nào phải chịu trách nhiệm - bị xử lý, thậm chí vẫn hoạt động bình thường. Tại sao những cơ sở làm đẹp không uy tín, “4 không” (không bảng hiệu, không giấy đăng ký kinh doanh, không chứng chỉ hành nghề, không giấy phép hoạt động) vẫn ngang nhiên hoạt động? Các bác sĩ chuyên môn kém gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người nhưng không được xử lý, tước chứng chỉ hành nghề?... Những câu hỏi như trên cứ đặt ra từ vụ việc này sang vụ việc khác, trong khi cơ quan chức năng luôn có một lý do khó thể chấp nhận: “lực lượng mỏng, không thể kiểm tra, kiểm soát hết”.

Trong y khoa, xảy ra rủi ro tai biến là điều không thể tránh khỏi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai biến, song nếu cơ sở thẩm mỹ hoạt động có trách nhiệm, bác sĩ phẫu thuật làm việc có lương tâm, luôn coi sức khỏe khách hàng là trên hết thì rủi ro tai biến sẽ được hạn chế ở mức thấp nhất.

Với những cơ sở thẩm mỹ hoạt động gây chết người, cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ nguyên nhân, nếu có sai phạm, vi phạm cần xử lý nghiêm minh, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước về y tế cần tăng cường thanh kiểm tra, kiên quyết xử lý, đình chỉ các cơ sở phẫu thuật, làm đẹp vi phạm, không phép. Có như vậy, những cái chết oan uổng trên bàn mổ thẩm mỹ mới không tiếp diễn.

Tin cùng chuyên mục